Việt Nam trước ngưỡng cửa CPTPP: Chất lượng nguồn nhân lực là 'sống còn'

author 17:32 05/04/2018

(VietQ.vn) - Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào khu vực CPTPP.

CPTPP đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết, mở ra kỷ nguyên mới về hội nhập quốc tế, đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao... Trước những thời cơ và vận hội đang mở ra, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.

Trao đổi tại Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP", TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã có mức tăng trưởng 6,81% trong năm qua. Thủ tướng đã tuyên bố mặc dù Quốc hội kỳ vọng năm 2018 con số tăng trưởng là từ 6,5-6,7% nhưng sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng tối thiểu 6,7%.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, tăng trưởng không phải vấn đề quan trọng nhất mà chất lượng tăng trưởng mới là điều quan trọng. Những tiếng chuông cảnh báo chất lượng tăng trưởng luôn dồn dập tạo áp lực cho Việt Nam.

Vấn đề gây trở ngại đầu tiên là việc Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có năng suất lao động thấp nhất khu vực. Thứ hai là trình độ quản trị doanh nghiệp Việt hiện nay theo báo cáo PCI của VCCI với sự tham gia của cơ quan phát triển Hoa kỳ thì trình độ quản trị doanh nghiệp Việt thấp nhất khu vực ĐNA.

Còn theo số liệu điều tra của Viện Khoa học lao động xã hội thì 2/3 số doanh nghiệp cho biết phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng về chuyên môn và kỹ năng nòng cốt khác. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cũng cho thấy, 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của công ty. Cuộc tìm kiếm lại càng khá nhọc nhằn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 

Chủ tịch VCCI cũng thông tin rằng, nhiều nhà đầu tư cho rằng Việt Nam được lựa chọn là điểm hấp dẫn đầu tư không phải do chất lượng nguồn lao động hay thể chế. Theo thống kê, nhà đầu tư Nhật Bản xếp 3 yêu cầu quan trọng trong việc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư đó là do sự ổn định chính trị xã hội, quy mô thị trường và lực lượng lao động trẻ.

"Nói đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP phải nói tới thêm cả là sức ép nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và phát triển nói chung. Tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Chính vì vậy, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn lao động là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới", TS Vũ Tiến Lộc cho hay.

Nhận định về chất lượng nguồn lao động của thị trường lao động Việt Nam, TS Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH cho biết, nguồn lao động Việt Nam dồi dào và ổn định. Tuy nhiên chất lượng nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm phải bàn.

Cụ thể, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Ngoài ra, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.

Theo Bản tin Thị trường lao động số 15, tại thời điểm quí 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53,9 nghìn người so với quí 2/2017 ở mức 237 nghìn người, tương đương 4,51%.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là yêu cầu quan trọng hiện nay. Trong việc cải cách đào tạo nguồn nhân lực thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.

"VCCI cũng có kết nối cùng Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với ngành giáo dục trong việc cải cách hệ thống giáo dục. Đặc biệt thay đổi tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề ở Việt Nam theo 6 hướng đồng hành, hợp tác. Một là, doanh nghiệp là người dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo. Hai là doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở. Ba là doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Bốn là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo. Năm là doanh nghiệp cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo. Sáu là, doanh nghiệp là nơi iếp nhận và sử dụng nguồn lao động", Chủ tịch VCCI chia sẻ

TS Lộc cũng cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có chương trình thí điểm với mục tiêu đưa ra là 100 ngàn lao động sẽ được đào tạo theo phương thức này. Doanh nghiệp cùng với nhà trường cùng thực hiện công tác đào tạo. Như vậy sẽ không còn ranh giới giữa nhà trường và doanh nghiệp nữa. Cộng đồng doanh nghiệp cũng là chủ nhân của hệ thống giáo dục đạo tạo và là người hưởng lợi ích từ hệ thống này.

Các chuyên gia thảo luận về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trước thềm CPTPP. 

Liên quan đến đánh giá tác động của CPTPP tới phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, bà Dung cho rằng, CPTPP đang tạo ra cả những cơ hội và thách thức. Phân tích về cơ hội, bà Dung cho rằng đó là cơ hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp như tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra sẽ có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo bà Dung thách thức lớn nhất của lao động Việt Nam đó là tính cạnh tranh sẽ là thách thức lớn nhất trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm. Cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác.

Vì vậy, một trong những đề xuất bà Dung đưa ra đó là tăng cường tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Phong Lâm

Tăng cường hàng rào kỹ thuật để tránh rủi ro khi gia nhập CPTPP(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, để ngăn cản những rủi ro mà các doanh nghiệp nước ngoài tạo gia khi Việt Nam tham gia CPTPP, cần phải tăng cường thêm các hàng rào kỹ thuật.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang