Vietcombank với công tác bình đẳng giới

author 12:19 25/10/2021

(VietQ.vn) - Trong suốt chặng đường hoạt động Cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người tài năng thao lược, mà Người còn là vị lãnh tụ luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến mục tiêu nhân đạo cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Sinh thời vào những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh xã hội Việt Nam vẫn còn nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, Người đã sớm nhận rõ vai trò của công cuộc giải phóng phụ nữ không tách rời công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong nhiều tác phẩm và phát biểu của mình, Người nhất quán đề cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động xã hội, tham gia cách mạng và đóng góp vào công cuộc xây dựng kinh tế đất nước, đặt vị trí của phụ nữ ngang tầm với vị trí của nam giới.

Đơn cử, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người cho rằng: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”(1). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ theo nghĩa rộng là phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ, nâng cao vị thế trong mọi mặt đời sống xã hội, từ gia đình tới xã hội, từ mặt kinh tế đến chính trị. Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn trong Di chúc: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (2).

Có thể nói, những tư tưởng tiến bộ của Người về công tác bình đẳng giới dù cách chúng ta hàng thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị, là vấn đề tưởng cũ nhưng không hề cũ trong xã hội ngày nay.

Cán bộ nữ Vietcombank Nam Sài Gòn chụp ảnh trong trang phục Áo dài truyền thống – Di sản văn hóa Việt Nam nhân ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10. 

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930), Đảng đã chỉ đạo thành lập các tổ chức hội phụ nữ, qua đó đề cao nhiệm vụ, vai trò của tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng như: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương (năm 1930), Hội Phụ nữ Dân chủ (năm 1936), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941 - 1945) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (năm 1946), góp phần tạo điều kiện để phụ nữ tham gia tích cực không chỉ ở vai trò hậu phương, mà ngay cả trên tiền tuyến ác liệt; bước đầu thực hiện bình đẳng giới, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng dân tộc.

Tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề bình đẳng giới, cũng như xác định việc giải phóng phụ nữ còn là nhiệm vụ thiên niên kỷ, không thể thực hiện một sớm một chiều, một trong những điểm quan trọng mà Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ:

“Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”(3). Rõ ràng, việc tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng cho nữ giới trong xã hội hiện đại ngày nay luôn cần được chú trọng và quan tâm, bởi đó chính là thước đo quan trọng cho sự bình đẳng và chỉ số hạnh phúc của xã hội.

Nhìn về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), đơn vị kinh tế có số lao động nữ luôn chiếm tỷ lệ cao (tới gần 60% tổng lao động) cho thấy phụ nữ ngày nay không còn chỉ quanh quẩn trong gian bếp và chỉ chăm lo cho bữa cơm gia đình, con cái, phụ nữ đã tích cực tham gia vào lực lượng chính của xã hội, tạo ra của cải vật chất trong xã hội.

Trải qua hơn nữa thế kỷ hình thành, xây dựng và phát triển, phụ nữ ngành Ngân hàng nói chung và cán bộ nữ Ngân hàng Vietcombank nói riêng đã có những đóng góp rất ý nghĩa cho sự phát triển của ngành. Ngoài nhờ sự tự lực của mỗi chị em, còn đồng thời nhờ cơ chế ghi nhận công bằng và quan điểm đặt vai trò phụ nữ ngang hàng với cán bộ nam giới mà Ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank đã quán triệt.

Trong đó, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank, Cấp ủy, Công đoàn Ngân hàng Vietcombank, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) Vietcombank đã luôn nhất quán với Ban VSTBPN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong công cuộc thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020 và phong trào thi đua Phụ nữ 2 giỏi – “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” giai đoạn 2015 – 2020 và đã được Ban VSTBPN của NHNN ghi nhận nhờ những đóng góp tích cực.

Với tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao, những năm qua Ngân hàng Vietcombank đã đạt được bước tiến vượt bậc, không chỉ trong chỉ tiêu kinh doanh, trở thành Ngân hàng đứng đầu về lợi nhuận trong ngành nhiều năm liền; mà còn không ngừng hoàn thiện môi trường làm việc bình đẳng, văn minh, tiến bộ, với hai năm liên tiếp được xướng tên trong danh sách Top 2 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (năm 2019 và năm 2020) do mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Intage khảo sát.

Trong đó, tại Vietcombank, các cán bộ nữ có cơ hội được tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, có xu hướng được giảm dần khoảng cách về việc tiếp cận với điều kiện lao động, làm việc, chăm sóc sức khỏe, cơ hội tiếp cận các khóa học đào tạo nâng cao năng lực tay nghề và cơ hội để thể hiện bản thân tốt nhất. Ở đây, có 2 lĩnh vực mà cán bộ nữ Vietcombank được tham gia công bằng và bình đẳng, thống nhất với quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh, với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua. Đó là:

Thứ nhất là giải phóng về kinh tế: Điều này là hết sức rõ ràng bởi Ngân hàng là ngành kinh tế huyết mạch và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đội ngũ cán bộ Ngân hàng hầu hết là lực lượng có trí thức cao và được đào tạo chuyên môn bài bản, có tư duy và nền tảng tri thức nhất định.

Do vậy, việc một lực lượng lớn phụ nữ tham gia vào đội ngũ ngành Ngân hàng là thể hiện quyền lợi bình đẳng, giải phóng sức lao động của phụ nữ, cũng chính là giải phóng sức lao động xã hội. Trong thực tế, Ngân hàng là ngành đòi hòi cán bộ nữ phải nỗ lực nhằm cân bằng giữa công việc và gia đình do khối lượng công việc nặng nề, đòi hỏi sự trách nhiệm cao, tính tỉ mỉ và chính xác.

Thể hiện rõ nhất có thể kể đến: (1) Về vấn đề đãi ngộ tại Vietcombank, cán bộ nữ không chỉ được hưởng chế độ lương thưởng, phụ cấp ngang bằng nam giới, mà Ban lãnh đạo còn luôn chủ trương ưu tiên phân công công việc phù hợp với sức lao động của phụ nữ. Trong đó, Vietcombank luôn thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn với cán bộ là nữ giới, thực hiện đúng các Quy ước về lao động tập thể trên nguyên tắc dân chủ, tập trung; phù hợp với Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Cán bộ nữ được hưởng các chế độ phụ cấp thai sản, chế độ nghỉ thai sản, chế độ nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh, chế độ nuôi con nhỏ và cho con bú sữa mẹ;(2) Về chăm sóc sức khỏe, cán bộ nữ tại Vietcombank được ưu tiên khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm (nam giới là 1 lần/năm), nhằm tích cực chăm lo sức khỏe tổng quát và sinh sản cho phụ nữ; (3) Về công tác đào tạo nhân lực và lấy danh sách cán bộ nguồn, cán bộ nữ giới cũng như nam giới đều bình đẳng trong việc được công nhận năng lực làm việc, được tiếp cận cơ hội khá đồng đều về thăng tiến, lãnh đạo, quản lý nếu có đủ phẩm chất đạo đức và tài năng; được có cơ hội tham gia đối với các khóa học và các khóa huấn luyện nâng cao tay nghề, nghiệp vụ, cũng như các khóa đào tạo quản lý.

Do vậy, cán bộ nữ tại Vietcombank có khả năng độc lập về kinh tế, tự chăm lo cho đời sống của bản thân, gia đình và đóng góp tích cực cho xã hội, để từ đó họ trở nên tự tin hơn, bản lĩnh hơn, chủ động hơn trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế. Thành quả là, tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp Phòng trở lên khá cao so với tỷ lệ chung của cả nước.

Số lượng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là 2.057 người, chiếm tỷ lệ 51,1% lãnh đạo Vietcombank. Số lượng cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại Vietcombank là 03 người (03 Phó Tổng Giám đốc), chiếm tỷ lệ 15% tổng số lãnh đạo cấp cao tại Vietcombank. Số lượng cán bộ nữ được quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021 - 2026 là 1.029 người, chiếm tỷ lệ 53,8% tổng số cán bộ được quy hoạch, tăng 8,19% so với 5 năm trước (4).

Thứ hai là giải phóng về chính trị: Tại Vietcombank, công tác bồi dưỡng chính trị, tạo cảm tình với Chính quyền, Đảng và Nhà nước trong Đảng viên và quần chúng luôn được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Trong nhiều năm qua, ngoài công tác chuyên môn, Đảng bộ Vietcombank luôn quan tâm đẩy mạnh thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, năng động, tài năng, dám nghĩ, dám làm, và giới thiệu những quần chúng ưu tú để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Trong đó, việc bình đẳng, bình quyền về chính trị lại một lần nữa được nhất quán thực hiện khi số lượng cán bộ Vietcombank có cơ hội được phát hiện, học các lớp cảm tình Đảng, được gia nhập tổ chức Đảng trên tinh thần tự nguyện và mong muốn cá nhân là hoàn toàn công bằng và không phụ thuộc vào giới tính.

Vietcombank cũng đưa vào hoạt động Trường Đào tạo Vietcombank vào năm 2020-nơi không chỉ thực hiện sứ mệnh đào tạo công tác chuyên môn, mà còn là Trường học lý luận về chính trị cho các Đảng viên và quần chúng sẵn sàng giác ngộ lý tưởng của Đảng. Qua đó, cho thấy sự quan tâm sâu sát của cấp lãnh đạo Vietcombank và chiến lược phát triển nguồn lực vừa “hồng” vừa “chuyên” trong hoạt động kinh doanh nói riêng và công cuộc xây dựng kinh tế đất nước hội nhập nói chung.

Kết quả là, đến hết năm 2020, tại 100% đơn vị của Vietcombank đều có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cán bộ nữ Vietcombank được chú trọng phát triển công tác Đảng, số lượng nữ Đảng viên là 2.171 người, chiếm tỷ lệ 57% Đảng viên tại Vietcombank, số lượng cán bộ nữ trong cấp ủy Đảng là 341 người, chiếm tỷ lệ 45,3% cán bộ cấp ủy (4).

Ngoài ra, trong những năm qua, Ngân hàng Vietcombank vẫn luôn dành những sự ưu ái nhất định đối với đội ngũ nhân sự là nữ giới bằng nhiều hoạt động thiết thực khác, như dành nhiều phần quà cho phụ nữ trong các dịp lễ lớn trong năm, tổ chức các hoạt động tọa đàm về hôn nhân gia đình, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam là cán bộ Ngân hàng, thiết lập cơ chế khen thưởng và vinh danh hàng năm đối với các cá nhân và tập thể đóng góp cho sự nghiệp Ngân hàng, trao tặng danh hiệu Phụ nữ 2 giỏi “Giỏi việc Ngân hàng, Đảm việc nhà” với các cán bộ nữ xuất sắc; tuyên truyền các cán bộ tích cực tham gia Khảo sát về hiện trạng nữ giới trong ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) kết hợp tổ chức về “Nâng cao vai trò lãnh đạo nữ trong ngành Ngân hàng”, qua đó, tiếp thu và luôn cập nhật những tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới mà Đảng ta giao phó.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam làm việc tại các Ngân hàng là hình ảnh đẹp, tạo nguồn cảm hứng lớn đối với thế hệ trẻ; góp phần định hướng nghề nghiệp; xóa bỏ rào cản về tâm lý tự ti; khơi dậy ý chí tự lập, tự cường, tự rèn luyện đạo đức, trí tuệ; cũng như tạo nên bức tranh xã hội văn minh, công bằng, và tiến bộ.

Tất nhiên, để thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Bác Hồ cũng cho rằng “bản thân phụ nữ phải tự mình vươn lên”, nhưng việc tổ chức, đoàn thể có một sự quan tâm sâu sát kịp thời và chế độ phù hợp vẫn là động lực để càng ngày càng nhiều phụ nữ dấn thân vào sự nghiệp, đóng góp sức mình cho nền kinh tế nước nhà, song song đó, vẫn yên tâm thực hiện được thiên chức người phụ nữ trong gia đình, an tâm công tác, góp phần ổn định đời sống gia đình, xã hội, và tạo nên hạnh phúc bền vững của nhân dân.

Đó cũng chính là một trong những ý nghĩa nhân văn muôn đời, sống mãi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lại cho chúng ta về vấn đề bình đẳng giới, mà Ban cán sự Đảng và mỗi Đảng viên cần học tập, thấm nhuần, kế thừa và vận dụng sáng tạo vào mỗi thời kỳ, hướng tới mục tiêu cao nhất: xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!

Nguồn tham khảo:

(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 300

(2)Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 509 - 510.  

(3)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tlđd, t. I, tr. 169

(4)https://phunuvietnam.vn/binh-dang-gioi-da-dong-gop-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-vietcombank-20210415162037602.htm (đăng tải ngày 16/04/2021)

Lê Trần Diễm - Công đoàn viên Công đoàn cơ sở Vietcombank Nam Sài Gòn

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang