VietGap và đường đi của tôm nước lợ Việt Nam

author 08:43 22/05/2013

(VietQ.vn) - Nghề nuôi tôm nước lợ ở xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 90, và đến nay tôm nước lợ đang trở thành một đối tượng kinh tế quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam.

<br>
Tôm nước lợ là đối tượng kinh tế quan trọng của  ngành  thủy sản Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến năm 2011 sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu thủy sản đã đạt mức 6,118 tỷ USD, trong đó tôm sú xuất khẩu 1,43 tỷ USD, chiếm 59,7%; năm 2012, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Việt Nam là 657.523 ha, sản lượng 476.424 tấn; tăng 0,2% về diện tích nhưng giảm 3,9% sản lượng so với năm 2011.

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành nuôi tôm Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước những áp lực cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, một bộ phận người nuôi chạy theo lợi nhuận đã lạm dụng nhiều loại thuốc, hóa chất… làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng kháng dịch bệnh và khả năng hấp thu của tôm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thu hoạch.

Cùng với sự gia tăng diện tích nuôi, lượng chất thải từ các ao nuôi được thải ra ngoài môi trường sau mỗi vụ nuôi ngày càng tăng, làm cho môi trường nước, không khí bị ngày càng bị ô nhiễm nặng, dịch bệnh xảy ra và lây lan khó kiểm soát. Theo Tổng cục Thủy sản nhận định, dịch bệnh xảy ra trầm trọng trên diện rộng là nguyên nhân chính khiến hiệu quả sản xuất năm 2012 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2012, Việt Nam có khoảng 100.776ha diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (trong đó tôm sú là 91.174ha).

Dưới áp lực thị trường, Việt nam cần phải xây dựng giải pháp kỹ thuật an toàn trong nuôi và chế biến sản phẩm tôm, áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến nhằm đạt được sản phẩm ”tôm sạch” an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định. Để đáp ứng nhu cầu thời cuộc, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP). Đây là quy phạm thực hành sản xuất tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Sự ra đời của VietGAP là bước cần thiết nhằm đưa nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung và nghề nuôi tôm nước lợ nói riêng đi vào khuôn khổ.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tin dùng các mặt hàng có nhãn hiệu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng ngay cả các mặt hàng thủy hải sản trong các siêu thị lớn của Việt Nam cũng chưa được gắn tem, nhãn, bao bì chính thống, chưa được công khai về quy trình kiểm soát chất lượng để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, việc tuyên truyền để người nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP không những đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam trong lòng người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của VietGap nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm

Nhằm hỗ trợ cho chương trình này, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 01/2012/QĐ-TTg về “một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản”, theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung áp dụng VietGAP, hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế... Với sự hỗ trợ này, chi phí áp dụng cho VietGAP sẽ thấp hơn rất nhiều so với các bộ tiêu chuẩn trước đây, tạo thuận lợi cho các hộ tôm hướng tới nền sản xuất bền vững.

Mặc dù có nhiều lợi ích thiết thực và sự hỗ trợ của chính phủ song việc thực hiện tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm nước lợ gặp không ít khó khăn. VietGAP vẫn chưa được quốc tế thừa nhận, trong khi sản phẩm tôm là loại nguyên liệu chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu, hơn nữa các bộ tiêu chuẩn chứng nhận tự nguyện có uy tín khác như BAP, GlobalGAP, ASC lại đang cạnh tranh gay gắt nên người nuôi tôm chưa mạnh dạn áp dụng VietGAP.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nông hộ nhỏ lẻ nên hệ thống thủy lợi, ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng được yêu cầu; hộ nuôi thường có sản lượng nhỏ nên chi phí tư vấn, chứng nhận VietGAP tính trên đầu tấn sản phẩm sẽ cao trong khi giá bán sản phẩm sau chứng nhận tăng chậm.

Chương trình hỗ trợ của quốc gia theo quyết định 01/2012/QĐ-TTg còn vài điểm chưa được hợp lý, ví dụ, theo quyết định, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất được hỗ trợ phải đủ 2 điều kiện: (i) Áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm; (ii) Có hợp đồng tiêu thụ và phương án tiêu thụ sản phẩm. Nếu buộc người nuôi tôm vừa áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP vừa phải có hợp đồng tiêu thụ mới được hưởng hỗ trợ thì thật sự rất khó khăn cho họ, và không khuyến khích được đại đa số hộ nuôi tôm áp dụng VietGAP.

Tuy việc xây dựng VietGAP đang gập nhiều khó khăn bước đầu, nhưng VietGAP vẫn là hướng phát triển tất yếu phải có của nghề nuôi tôm nước lợ nói riêng và cả ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. Phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của VietGAP nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm, nâng cao uy tín hàng tôm nước lợ trên thị trường, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Áp dụng thành công VietGAP trong nuôi tôm nước lợ cần:

- Xúc tiến hoạt động ngoại giao kỹ thuật để tạo niềm tin và sự thừa nhận bộ tiêu chuẩn VietGAP trên các thị trường thế giới, làm cho VietGAP có thể ngang tầm và được đối chuẩn với các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC...

- Có thông tư hướng dẫn cụ thể quyết định 01/2012/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hỗ trợ tới được các hộ sản xuất quy mô vừa, đồng thời vận động việc liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ tạo sản lượng đủ lớn cho việc áp dụng VietGAP;

- Có khung pháp lý và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ về cơ sở hạ tầng vùng nuôi (hệ thống thủy lợi, kênh mương cấp thoát nước, hệ thống ao nuôi, lắng lọc, xử lý chất thải), hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng trừ dịch bệnh;

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có năng lực để tham gia hoạt động tư vấn, đánh giá và chứng nhận VietGAP để đảm bảochất lượng của quá trình áp dụng và chứng nhận VietGAP;

- Có chế độ hỗ trợ hợp lý cho việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận, tạo sự khác biệt về giá cho sản phẩm chứng nhận nhằm thu hút các hộ nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.

 

Th.sĩ Nguyễn Thị Minh Lý (PGĐTrung tâm QUACERT)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang