Vinaconex phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống dẫn nước Sông Đà

author 07:11 15/07/2014

(VietQ.vn) - Lãnh đạo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng - Bộ Xây dựng cho rằng, nhà đầu tư - Tổng công ty Vinaconex cũng như nhà thầu phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến sự cố đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội.

Vỡ đường ống nước sông đà, Vinaconex phải chịu trách nhiệm

Vỡ đường ống nước sông đà, Vinaconex phải chịu trách nhiệm. Ảnh minh họa

Theo  ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, tuyến ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội do Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.

Thời gian gần đây, tuyến đường ống này liên tục bị vỡ, hàng trăm, hàng chục ngàn người dân Thủ đô Hà Nội sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Đặc biệt, có những thời điểm, thiếu nước tới hơn một tuần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân Hà Nội.

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng cho rằng, nguyên nhân liên tục có các sự cố liên quan đến đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội xoay quanh chất lượng đường ống không đồng đều, qua việc lấy mẫu thí nghiệm cũng như là đánh giá bằng cảm quan cho thấy bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống, đây là nguyên nhân sâu xa về mặt chất lượng đường ống.

Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng (ví dụ ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu một số tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh; một số dị vật lẫn trong lớp cát đệm xung quanh ống có thể tác động bất lợi vào thành ống)...

Tất cả các nguyên nhân này đều dẫn đến hiện tượng là có xu hướng làm giảm khả năng kết dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống và về lâu dài làm hỏng cục bộ đường ống.

Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, còn có một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của tuyến ống như: ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian (trong khi không có kết quả thí nghiệm chứng minh độ bền lâu của vật liệu chế tạo ống)…

"Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế", ông  Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, việc có thể làm được trước mắt và mang tính khả thi là tìm cách duy trì áp lực đường ống ở mức phù hợp so với thiết kế, tránh điều chỉnh áp lực tăng đột biến để tránh bị vỡ ống.

Trường hợp nếu phát hiện sự cố phải huy động toàn bộ lực lượng sửa chữa khắc phục ngay, chỉ khoảng 10 tiếng, thậm chí giảm bớt thời gian hơn nữa để tránh gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân.

Về phía Hà Nội cũng cần điều phối các nguồn cấp nước khác để hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố tuyến ống phải dừng để sửa chữa.

 

 

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang