Vinamilk chính thức chào mua công khai gần 47% cổ phần GTNFoods với giá 13.000 đồng/cổ phần

author 11:46 14/04/2019

Vào cuối tháng 3 vừa qua, HĐQT GTNFoods đã thông qua nghị quyết thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk.

Ảnh minh họa

Vinamilk chính thức chào mua công khai gần 47% cổ phần GTNFoods với mức giá thấp hơn giá thị trường

Theo tin từ Sở GDCK TP.HCM, Vinamilk đã có văn bản chào mua công khai cổ phiếu GTN của GTNFoods.

Cụ thể, Vinamilk chào mua 116,71 triệu cổ phần GTN, tương ứng 46,68% lượng cổ phần đang lưu hành của GTN. Nếu giao dịch diễn ra thành công, Vinamilk sẽ nắm giữ 122,5 triệu cổ phần GTN, tương ứng tỷ lệ sở hữu 49%.

Mức giá chào mua của Vinamilk là 13.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị chào mua hơn 1.517 tỷ đồng. Thời hạn nhận hồ sở đăng ký bán của nhà đầu tư từ ngày 22/4 đến 22/5/2019.

Trong phiên giao dịch 11/4, cổ phiếu GTN đã tăng kịch trần lên 17.100 đồng. Như vậy, mức giá Vinamilk chào mua đang thấp hơn 24% thị giá GTN. Từ đầu năm tới nay, GTN đã tăng hơn 60% và đà tăng này ít nhiều có liên quan đến câu chuyện mua cổ phần của Vinamilk.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 3 vừa qua, HĐQT GTNFoods đã thông qua nghị quyết thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk. Lý do không đồng ý được GTNFoods đưa ra là bởi chưa nhận được sự trao đổi nào của Vinamilk về định hướng phát triển của GTNFoods.

GTNFoods là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với doanh thu năm 2018 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng.

Hiện tại, GTNFoods đang nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu là 51%. Ngoài ra, GTNFoods còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty Chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt)…

Trong khi đó, Vinamilk là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần sữa nước năm 2018 vào khoảng 55%. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Trong năm 2018, doanh thu Vinamilk đạt hơn 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng.

Dragon Capital và 3 tổ chức mua 200 tỷ trái phiếu Phát Đạt, lãi suất 14,45%/năm

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) đã bán xong 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền với lãi suất 14,45%/năm, trả lãi 3 tháng một lần.

Tài sản đảm bảo là 18 triệu cổ phiếu PDR được quản lý bởi CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS). Giá cổ phiếu PDR chốt phiên 11/4 ở mức 28.800 đồng/cp.

Danh sách trái chủ gồm 3 nhà đầu tư trong nước và một tổ chức nước ngoài. Vietnam Debt Fund SPC - quỹ thành viên của Dragon Capital mua 120 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ lệ 60%.

Còn lại, Chứng khoán Thành Công, Bảo hiểm Bảo Long và Công ty tư vấn đầu tư Sài Gòn 3 mua 80 tỷ đồng trái phiếu còn lại. Trong đó, Chứng khoán Thành Công mua nhiều nhất, 40 tỷ đồng trái phiếu.

“Chia tay” Nhựa Đồng Nai, SAM Holdings thu về hơn trăm tỷ đồng

Mới đây, CTCP SAM Holdings (mã SAM) đã bán ra toàn bộ hơn 6,7 triệu cổ phiếu DNP qua đó không còn là cổ đông lớn tại của CTCP Nhựa Đồng Nai.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 17.200 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch lên đến hơn 116 tỷ đồng. Hiện chưa có thông tin về bên nhận thỏa thuận.

Ở chiều ngược lại, ông Vũ Đình Độ, chủ tịch HĐQT đã chi 35 tỷ đồng để mua thêm 2,5 triệu cổ phiếu DNP nhằm gia tăng sở hữu từ 7,56% lên mức 10,06% trong ngày 19/03 qua đó trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Nhựa Đồng Nai sau CTCP Đầu tư VSD với 10,37% cổ phần.

Cũng trong ngày 19/03, một cổ đông lớn khác của Nhựa Đồng Nai là ông Phạm Quốc Khánh cũng hoàn tất bán ra 1,5 triệu cổ phiếu DNP qua đó giảm sở hữu xuống 4,84%, không còn là cổ đông lớn từ ngày 19/03. Giao dịch này giúp ông Khánh “bỏ túi” khoảng 21 tỷ đồng.

Sau một loạt các giao dịch của cổ đông lớn, ngoài Đầu tư VSD và chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ, Nhựa Đồng Nai còn 03 cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất với 8,38%, Công ty TNHH Capella Group với 7,17% và cá nhân ông Hoàng Anh Tuấn với 5,13%.

Với số lượng cổ phiếu “sang tay” lần này chiếm tới 6,7% tổng số lượng cổ phần lưu hành, nhiều khả năng cơ cấu cổ đông của Nhựa Đồng Nai sẽ có biến động đáng kể trong thời gian tới.

Một cổ đông cá nhân muốn “chốt lời” gần 4 triệu cổ phiếu Gemadept

Bà Lê Thúy Hương, thành viên Hội đồng quản trị CTCP Gemadept (mã GMD) đã đăng ký bán ra gần 4 triệu cổ phiếu GMD. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 12/4 đến 8/5 tới đây.

Nếu việc bán hết số cổ phiếu đăng ký, bà Hương sẽ giảm sở hữu từ hơn 18,68 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 6,29% xuống còn 14,71 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,96% và sẽ không còn là cổ đông lớn tại Gemadept. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại cổ phiếu GMD, bà Hương có thể thu về hơn trăm tỷ đồng cho giao dịch lần này.

Trước đó, chỉ trong 2 phiên ngày 03 – 04/01, bà Hương đã bán ra tổng cộng 3 triệu cổ phiếu GMD theo phương thức thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 26.100 đồng/cổ phiếu, qua đó giảm sở hữu xuống còn hơn 18,68 triệu cổ phiếu như hiện nay. Giao dịch trên giúp bà Hương “bỏ túi” 78,3 tỷ đồng.

Đầu tháng 3 vừa qua, một cổ đông lớn khác của Gemadept thuộc Kusto Group là Recollection Pte. Ltd cũng bán ra 4,5 triệu cổ phiếu GMD qua đó giảm sở hữu từ hơn 18,14 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,11%) xuống còn hơn 13,64 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,59%) và không còn là cổ đông lớn của Gemadept từ ngày 04/03.

Ở chiều ngược lại, cũng trong tháng 3, quỹ ngoại KIM Vietnam Growth Equity Fund đã chi hơn 260 tỷ đồng để mua vào 9,5 triệu cổ phiếu GMD, qua đó nâng mức sở hữu từ hơn 4,86 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,64%) lên trên 14,36 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,84%). Sau giao dịch này, mức sở hữu của nhóm gồm 7 nhà đầu tư liên quan tới Korea Investment Management Co,., Ltd đã vượt hơn 15,55 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,24%) và trở thành nhóm cổ đông lớn của Gemadept từ ngày 07/03.
Theo DĐĐT
Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:cổ phiếu, kinh doanh, GTN, PDR, DNP, GMD

tin liên quan

video hot

Về đầu trang