Vợ bầu Kiên mặc áo sơ mi trắng đến dự, an ninh thắt chặt phiên tòa phúc thẩm

author 09:52 28/11/2014

Sáng 28-11, bầu Kiên (tức Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu) cùng 5 cựu lãnh đạo của ngân hàng này đã được đưa đến phiên tòa phúc thẩm.

Sự kiện:

10h9 phút. Chủ tọa phổ biến quyền và nghĩa vụ của các bị cáo.

HĐXX gồm ba thẩm phán, có một thẩm phán dự khuyết. Hai kiểm sát viên gồm đại diện VKSNDTC Nguyễn Hoài Nam, Lê Thư Quỳnh

Do phòng xử chật, lại có nhiều người tham dự nên trong phần thủ tục, chủ tọa phải yêu cầu một người… sang hỏi phòng bên kia xem có ai có ý kiến về phần thủ tục không.

Luật sư Lưu Văn Tám, bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải đề nghị HĐXX bố trí chỗ các luật sư ngồi. Đề nghị thay đổi lại vị trí, cho chúng tôi cùng nhóm được ngồi cùng với nhau để tiện trao đổi công việc. Xin phép trong giờ giải lao được trao đổi tài liệu với các bị cáo mà luật sư bảo vệ. Đề nghị cho phép người nhà bị cáo được gặp các bị cáo trong giờ giải lao.

Nguyễn Huy Thiệp- luật sư của bầu Kiên: Đề nghị các luật sư bào chữa cho một bị cáo được ngồi gần nhau để tiện trao đổi, cử người đại diện để khỏi mất thời gian của HĐXX. Luật sư của Nguyễn Đức Kiên đang ngồi ở... ba góc khác nhau.

Luật sư Thiệp đề nghị xem xét sức khỏe của bị cáo Kiên. Bị cáo Kiên bị cao huyết áp nên đề nghị HĐXX cho phép ngồi để trả lời những câu hỏi của HĐXX

Luật sư Vũ Xuân Nam bào chữa cho bầu Kiên cũng đề nghị triệu tập một số người có liên quan đến vụ án này theo như đơn của bị cáo Kiên ngày 4-11, bầu Kiên yêu cầu triệu tập cả đại diện Bộ Tư pháp và ông Trần Mộng Hùng (một trong hai cổ đông lớn nhất của ACB).

Luật sư Nam gửi đơn của người nhà bị cáo Kiên xin được gặp bị cáo này trong giờ nghỉ giải lao.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng ( bào chữa cho Lý Xuân Hải) phát biểu: Cơ quan giám sát không cho chúng tôi sử dụng điện thoại, không cho chúng tôi mang vào các dữ liệu ở trong máy khiến chúng tôi khó khăn khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Đây là nhân quyền, không có lý do gì chúng tôi bị tước quyền sử dụng tài sản của chúng tôi.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Đề nghị có đại diện của Bộ Tư pháp. Đề nghị xem xét thay đổi tư cách tham dự phiên tòa của anh Trần Đình Long và Trần Tuấn Dương. Tòa triệu tập với tư cách là nhân chứng, đề nghị chuyển thành người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vì đây là những người tham gia thỏa thuận, thực hiện hợp đồng.

Bầu Kiên cùng các luật sư cũng đề nghị triệu tập thêm đại diện của một số cơ quan chức năng như đại diện Bộ Tư pháp, đại diện phòng đăng ký kinh doanh một số tỉnh, thành.

Bầu Kiên hỏi: Tôi có được quyền tự bào chữa tại phiên tòa không? 

Chủ tọa đáp: 

Bầu Kiên: Tại phiên tòa sơ thẩm, khi thẩm vấn tôi bị cách ly do đó không nắm được diễn biến phiên tòa. Đề nghị tòa phúc thẩm không cách ly tôi nếu không thấy thực sự cần thiết.

Bầu Kiên cũng đề nghị tòa cho phép chuyển các câu hỏi của mình tới luật sư, để các luật sư hỏi giúp những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan "vì tôi biết tôi không được quyền đặt câu hỏi".

Đại diện VKS: Đề nghị triệu tập thêm một số đại diện của Phòng đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch đầu tư tại một số tỉnh, thành nơi có công ty của bị cáo hoạt động. VKS thấy rằng những người hôm nay không có mặt đều đã có lời khai thể hiện trong hồ sơ vụ án. Chúng tôi đã nhận được một số đơn xin vắng mặt của một số người do bị bệnh tim hoặc ung thư… Xét thấy có triệu tập cũng không thể tham dự phiên tòa được. Việc vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc. 

10h37 phút. Tòa tuyên bố nghỉ giải lao 10 phút để bàn về những yêu cầu của bị cáo và luật sư.

Trong phần thủ tục phiên tòa, Luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên) đề nghị tòa triệu tập một số người liên quan là đại diện Bộ Tư pháp và ông Trần Mộng Hùng (nguyên thành viên HĐQT ngân hàng ACB)

Luật sư Nam cho biết trước phiên tòa, luật sư đã có văn bản gửi TAND Tối cao đề nghị triệu tập một số người có lời khai trong vụ án như nhóm nhân viên được Ngân hàng Vietinbank ủy thác đi gửi tiền để thẩm tra tính chân thực của các lời khai, triệu tập nhóm khách hàng gửi tiền của Vietinbank..

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (cũng bào chữa cho Bầu Kiên) đề nghị tòa cho Nguyễn Đức Kiên được ngồi khi thẩm vấn vì bị cáo bị cao huyết áp.

Còn bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết trước phiên tòa, bị cáo đã có đơn đề nghị gửi TAND tối cao đề nghị triệu tập ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương (Tập đoàn Hòa Phát) đến tòa với tư cách nhân chứng vì đây là những người trực tiếp trao đổi, đàm phán hợp đồng với bị cáo.

Tại tòa, bị cáo tiếp tục nhắc lại những đề nghị này. 

“Tôi được biết Bộ Công thương đã có văn bản trả lời cơ quan điều tra, nội dung trả lời như thế nào, đề nghị xuất trình cho Tòa phúc thẩm làm căn cứ xem xét. Yêu cầu Tổng Cục thuế nạp cho Tòa văn bản Tổng Cục thuế trả lời Cục thuế TP Hà Nội về quyết toán thuế của công ty Thiên Nam vì đây là văn bản trọng yếu của vụ án” - Bầu Kiên đề nghị. 

Ngoài ra, Bầu Kiên cũng đề nghị tòa triệu tập Cục thuế tỉnh Hải Dương, phòng đăng kí kinh doanh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng yên, Đồng Nai, TP. HCM vì đây là những nơi đã cấp phép cho các công ty của Bầu Kiên thành lập. 

Ông Kiên cho biết tại tòa sơ thẩm, bị cáo bị cách ly trong phần xét hỏi nên không biết các bị cáo khác khai gì. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo đề nghị tòa hạn chế sự cách ly nếu không cần thiết vì bị cáo cần biết các bị cáo khai gì về mình.

Còn luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải) đề nghị tòa cho phép các luật sư trao đổi với các bị cáo và cho phép người nhà được gặp trong các bị cáo khi giải lao. 

Hội đồng xét xử quyết định vào hội ý xem xét các kiến nghị trên.

- 9g, Bầu Kiên mới được dẫn vào phòng xử. Đúng 9g, phiên tòa bắt đầu làm việc. 

- 8g, các bị cáo khác đã được dẫn vào phòng xử.

- Khoảng 7g sáng, Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu bị xét xử trong vụ án đã được dẫn giải đến Tòa. 

Tất cả các bị cáo đều mặc đồng phục màu xanh của trại giam. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên mặc quần tây, áo sơ mi trắng đóng thùng gọn gàng. 

An ninh tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội sáng nay được siết chặt trong phiên xử phúc thẩm vụ lừa đảo, trốn thuế, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB).

Không chỉ đông bị cáo, người liên quan, các luật sư bào chữa, thân nhân bị cáo mà còn rất nhiều người quan tâm đến vụ đại án này đã có mặt tại phiên tòa phúc thẩm này.

Tuy nhiên, chỉ có những người liên quan, nhân chứng, luật sư có tên trong danh sách tòa triệu tập mới được phép vào dự tòa.

Có tổng cộng khoảng 40 người đại diện của các cơ quan báo chí được cấp thẻ vào tham dự, đưa tin phiên tòa này.

Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Ngân hàng Vietinbank, đã bị kết án chung thân trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Vietinbank) cũng được triệu tập tới dự phiên tòa với tư cách người liên quan.

Có tất cả 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó riêng bầu Kiên có tới 4 luật sư bào chữa.

 Ngoài kháng cáo của 6 bị cáo, phiên tòa còn có kháng cáo của bị đơn dân sự là công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B.

Hai bị án Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) tuy không có kháng cáo nhưng vẫn có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Phiên tòa phúc thẩm có mặt đại diện một số cơ quan nhà nước như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước, Sở kế hoạch đầu tư TP Hà Nội, Sở kế hoạch đầu tư TP Hồ Chí Minh.

Vụ án đã được TAND Hà Nội xử sơ thẩm trước đó nhưng do có 6 bị cáo kháng cáo bản án nên được đưa ra xét xử tại phiên phúc thẩm này. Gồm có: 

- Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB)

- Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB) 

- Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB)

- Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB)

- Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB)

- Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị ACB).

Hai bị cáo đã bị xử tại cấp sơ thẩm là Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) không có kháng cáo.

Trong đơn kháng cáo, Nguyễn Đức Kiên kêu oan và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

Các bị cáo khác cũng cho rằng mình không phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nên mong tòa phúc thẩm xem xét.

Trước đó, ngày 9-6-2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù cho cả 4 tội trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo nguyên là thành viên HĐQT ACB cũng phải lãnh từ 2-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Tuoi tre Online - Plo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang