Vỡ hồ chứa chất thải nhà máy phân bón ở Lào Cai: Môi trường bị ảnh hưởng thế nào?

author 06:59 09/09/2018

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, bùn thải, chất thải từ nhà máy sản xuất phân bón tràn ra có thể gây ảnh hưởng tới cây trồng, các động vật thủy sinh, làm thay đổi hệ sinh thái.

Sự cố vỡ bờ bao hồ chứa quặng thải Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 (thuộc Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem), Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vào trưa 7/9 đã khiến hơn 40 hộ dân ở đây bị ảnh hưởng; 45.000m3 nước thải, chất thải nguy hại tràn ra môi trường.

Nhìn nhận về sự cố này, PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cũng nêu bật những vấn đề nguy hại khi các chất từ bãi thải tràn ra môi trường. Theo phân tích của PGS Trần Hồng Côn, đối với bãi thải thạch cao chứa phốt pho hàm lượng rất cao, khi tràn ra ngoài chủ yếu gây tình trạng dư thừa phốt pho cho môi trường. Sự dư thừa này sẽ khiến môi trường bị ảnh hưởng theo nhiều cách.

Vôi bột được dùng để trung hòa a xit bị tràn ra ngoài. (Ảnh: VOV).

Theo ông Côn, đó là gây ra hiện tượng phú dưỡng. Phú dưỡng hay phì dưỡng là một phản ứng của hệ sinh thái khi quá nhiều chất dinh dưỡng như nitrat và phốt phát từ các loại phân bón hoặc nước cống rãnh bị thải vào môi trường nước. Hiện tượng này làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như thiếu dưỡng khí, làm cạn kiệt ôxy hòa tan trong nước, làm giảm số lượng cá thể cá và các quần thể động vật khác.

Ngoài ra, trong bãi thải có hàm lượng PH tương đối thấp vì còn dư axít. Lượng dư tràn ra ngoài, ảnh hưởng tới cây trồng, các động vật thủy sinh, có khả năng làm thay đổi hệ sinh thái. Đó là tác động về mặt hóa học.

Còn về mặt cơ học, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, bùn thải khi đi ra ngoài có thể tạo thành 1 lớp. Lớp này nếu tràn ra sông suối, lắng xuống thành bùn. Nếu không có mưa, không được pha loãng, bùn đó đọng lại ở dưới nhiều có thể làm thay đổi hệ sinh thái đáy ở sông, suối, ao mà bùn đó đổ vào.

Ví dụ, động vật như giun, sò, ốc sống ở đáy bị phủ bùn đó lên có thể làm khả năng tồn tại của chúng gặp rủi ro cao. Bên cạnh đó, hệ thực vật ở đáy bị bùn đó đè vào cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Liên quan tới sự việc này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi Trường cho hay, ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ đã cử cán bộ lên tận nơi để nắm tình hình. “Cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu vật để đánh giá. Khi nào có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông tin tiếp”, vị đại diện này nói.

Ngay sau sự cố, bên cạnh việc huy động sử dụng hơn 200 tấn vôi bột đổ xuống các suối nhằm trung hòa tối đa a xit xâm nhiễm, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cũng có công điện khẩn gửi các xã, thị trấn lân cận, yêu cầu người dân và chi nhánh cấp nước đang khai thác các nguồn sau bãi thải đuôi quặng của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 tạm ngừng sử dụng nước để đảm bảo an toàn.

Được biết, Công ty Cổ phần DAP số 2 đã từng nhiều lần sai phạm, trong đó lần gần đây nhất, đơn vị này mới bị xử phạt số tiền 150 triệu đồng hồi tháng 7/2018 về hành vi “không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi thải đuôi quặng (bãi Gyps)".

Nguyễn Huệ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang