Vụ Đại học Quy Nhơn: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

author 20:56 06/08/2012

(VietQ.vn) - “Nếu so với mức phí của trường Đại học Đà Nẵng hiện nay thì mức học phí mà trường đang thu là thấp hơn rất nhiều. Với mức học phí này, bản thân nhà trường cũng đang chịu lỗ”, PGS.TS Phó Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn Đinh Thanh Đức nói. Điều này hoàn toàn trái ngược với ý kiến của lãnh đạo Trung tâm liên kết đào tạo.

Liên quan đến việc nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Kon tum đang theo học các lớp tại chức liên kết giữa Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh này với Đại học Quy Nhơn để nâng cao trình độ, kiến thức về dạy học sinh trong bản làng heo hút, trước nguyện vọng tha thiết về việc giảm học phí để đỡ bớt phần nào khó khăn cho các thầy cô như Chất lượng Việt Nam phản ánh, chiều nay (6/8), PGS.TS Đinh Thanh Đức - Phó hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn, đã chủ động liên hệ với phóng viên để giải bày sự việc.

Theo PGS.TS Đức, việc các giáo viên vùng sâu tỉnh Kon Tum làm đơn phản ánh, xin miễn giảm 1 phần học phí vì khó khăn kinh tế, nhà trường đã nhận được. Hiện mức học phí mà nhà trường đang áp dụng theo Nghị định 49 của Chính phủ vẫn còn "chưa vượt sàn".

“Nghĩa là đối với hệ không chính quy được tăng 1,5 lần so với chính quy, song trên thực tế mức phí mà nhà trường đang áp dụng chỉ cao hơn 1,1 lần”, PGS.TS Đức giải thích.

Cũng theo lời của PGS.TS Đức, với việc áp dụng mức phí này nhà trường sẽ nhận 55% còn Trung tâm liên kết (TTGDTX tỉnh Kon Tum) được nhận 45%. “Với thực tế này, nhà trường đang phải chịu lỗ. Vẫn biết là các giáo viên vùng sâu gặp nhiều khó khăn song chúng tôi không thể giám thêm được nữa”, ông Đức chia sẻ.

Về việc sinh viên là các thầy cô giáo có được thi trong khi chưa đủ tiền nộp học phí hay không? PGS.TS Đức khẳng định, nhà trường không cấm thi và hoàn toàn tạo điều kiện để các thầy cô giáo thi. “Có trường hợp thầy cô giáo 2 năm liền chưa nộp học phí song nhà trường vẫn cho thi bình thường”, Phó hiệu trưởng cho hay.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu giải bày trên của vị phó hiệu trưởng và lời của ông Phan Tá Đông – Phụ trách mảng đào tạo TTGDTX tỉnh Kon Tum, thì mọi việc lại hoàn toàn trái ngược.

Theo đó, ông Đông thừa nhận mức phí mà Trường Đại học Quy Nhơn đang áp dụng hiện là thuộc diện… quá cao.

Ông Đông so sánh: cũng giống mô hình liên kết đào tạo cho sinh viên ngành giáo dục như Đại học Quy Nhơn tại trung tâm này, song học phí của những sinh viên đăng ký học lớp do Đại học Đà Nẵng tổ chức, dù năm nay cũng có tăng nhưng tổng cộng mỗi sinh viên cũng chỉ đóng chưa đến 3 triệu đồng/năm. Còn Đại học Quy Nhơn, đối với sinh viên khóa mới tuyển vừa rồi đã tăng thu lên đến 4.800.000 đồng/năm.

“Hiện nay Đại học Quy Nhơn đang nắm giữ 70% mức phí đào tạo. Chúng tôi đã kiến nghị nhà trường xem xét giảm học phí cho sinh viên là các thầy cô giáo vùng sâu khó khăn, song quyết định như thế nào vẫn phải chờ Đại học Quy Nhơn quyết định”, ông Đông nói.

Như vậy, có thể thấy cùng 1 vấn đề, cùng 1 nội dung song giữa TTGDTX tỉnh Kon Tum và Đại học Quy Nhơn đã có những cách giải thích không ăn khớp. Người chịu thiệt không ai khác chính là các học viên là thầy cô giáo vùng sâu vất vả lặn lội đường sá xa xôi, băng rừng, trèo đèo ra phố học nâng cao trình độ, kiến thức về truyền đạt cho các em học sinh vùng heo hút.

Xung quanh vấn đề này, Chất lượng Việt Nam sẽ có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan, trên tinh thần tất cả vì sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Phan Anh
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang