Vụ đánh cô giáo trên bục giảng nghi do ghen tuông: Có dấu hiệu hình sự?

author 17:46 04/12/2015

Liên quan đến việc Cô giáo Lê Thị Như Ng. đang dạy học thì bị một nhóm người xông vào đánh ngay trên bục giảng trước sự chứng kiến của học sinh, chúng tôi có buổi trao đổi với Luật sư Công Hạnh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế.

PV: Thưa Luật sư nhận định gì với hành vi 3 nữ, 1 nam thanh niên xông vào hành hung, bắt cô giáo quỳ trước mặt học sinh trong giờ lên lớp?

Luật sư Công Hạnh: Đây là hành vi cần phải bị lên án vì trái đạo đức và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Thứ nhất, môi trường học tập của các em phải được tuyệt đối tôn trọng, việc 4 nam nữ thanh niên vào hành hung cô giáo, bắt cô giáo quỳ trước mặt học sinh là hành vi gây phản cảm, để lại ấn tượng khủng khiếp trong lòng học sinh, gây bức xúc trong dư luận.

Thứ hai, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc bà Q. nghi ngờ cô Ng. có quan hệ bất chính với chồng mình, nhiều lần chửi bới, hành hung, đi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của cô đến chồng, con, hàng xóm mà không có một chứng cứ chứng minh mối quan hệ trên. 
Cô Ng. cũng đã giải thích mối quan hệ giữa chồng bà Q, có trình báo đến cơ quan công an nhưng bà Q. vẫn tiếp tục hành xử sai trái của mình là đã cấu thành tội "Làm nhục người khác" (theo Điều 121 Bộ luật hình sự  (BLHS) năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009).

Thứ ba, với hành vi tổ chức hành hung túm tóc, đánh túi bụi, giật điện thoại, bắt cô Ng. quỳ trước mặt học sinh ngày 27/11/2015 của 4 thanh niên nam nữ trên đã cấu thành tội "Làm nhục người khác" theo Khoản 1 Điều 121 BLHS và điểm a Khoản 1 Điều 48 BLHS với tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức.

Luật sư Công Hạnh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế.

PV: Nếu bà Q. có hành vi lôi kéo, tổ chức các con và hai nam nữ thanh niên hành hung, làm nhục cô Ng. thì bị xử lý như thế nào?

Luật sư Công Hạnh: Nếu bà Q. có hành vi lôi kéo các con và người khác, tổ chức buổi hành hung tại trường Tiều học Thủy Vân ngày 27/11/2015, bà Q. phải chịu trách về tội "Làm nhục người khác" theo khoản 2 Điều 121 BLHS, đồng thời bị áp dụng tình tiết tăng năng tại điểm a Khoản 1 Điều 48 BLHS về việc phạm tội có tổ chức.

PV: Theo Luật sư, hành vi đánh ghen, làm nhục người khác như trường hợp bà Q. để lại những hậu quả như thế nào?

Luật sư Công Hạnh: Theo tôi, ghen là đặc tính vốn có của cá nhân, là chất liệu của tình yêu nếu được kiểm soát. 
Tuy nhiên, ghen tuông mù quáng, vô căn cứ thì thật nguy hiểm vì nó hủy hoại hạnh phúc, danh dự, nhân phẩm người khác, gây ra những hệ lụy cho xã hội. Đồng thời, phá nát tổ ấm của mình, và đối diện với trách nhiệm và hậu quả pháp lý mà mình và những người thân yêu phải gánh chịu.
Theo Pháp luật Việt Nam
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang