Vụ sữa Abbott quảng cáo sai sự thật: Chi cục ATVSTP Hà Nội chính thức vào cuộc

author 06:41 11/10/2023

(VietQ.vn) - Chi cục ATVSTP Hà Nội đã tiếp nhận thông tin phản ánh về việc nhãn hàng sữa Abbott đang quảng cáo nhiều thông tin sai sự thật về bản chất, công dụng và chất lượng sản phẩm này.

Chi cục ATVSTP Hà Nội vào cuộc

Trong 2 bài viết với nhan đề "Bài 1: Sản phẩm Abbott công bố, quảng cáo, gắn nhãn dễ gây nhầm lẫn" và "Bài 2: Sản phẩm Abbott: Tư vấn, quảng cáo phớt lờ khuyến cáo", toà soạn Chất lượng Việt Nam đã đề cập nhiều sản phẩm của Abbott đang quảng cáo, gắn nhãn chưa phù hợp, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhân viên tổng đài của hãng sữa Abbott tư vấn các sản phẩm không đúng quy định pháp luật hiện hành.

Đối với vấn đề trên, toà soạn Chất lượng Việt Nam đã liên hệ, gửi thông tin tới Chi cục ATVSTP Hà Nội, đề nghị cơ quan này kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với nhãn hàng sữa Abbott. Phản hồi lại đề nghị từ phía toà soạn, Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết đã tiếp nhận thông tin về những dấu hiệu vi phạm của nhãn hàng sữa Abbott và sẽ tham mưu ban lãnh đạo kiểm tra xử lý tin phản ánh theo quy định.

Quảng cáo mập mờ, dễ gây nhầm lẫn

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam đã thông tin, tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm dinh dưỡng Abbott Grow 1, 2, 3 và thực phẩm bổ sung Abbott Grow gold 3+, 4 do Abbott công bố có nhãn tương đối giống nhau, khiến người tiêu dùng khó phân biệt nếu không trang bị cho mình kiến thức nhất định về y tế và quan sát kỹ nhãn sản phẩm.

Cụ thể, trên nhãn tất cả dòng sản phẩm Abbott Grow nói trên đều sử dụng hình ảnh hươu cao cổ cùng slogan quen thuộc “ước muốn cao hơn, thông minh hơn”. Dù trên nhãn có thể hiện rõ “thực phẩm bổ sung” hoặc “sản phẩm dinh dưỡng”, lứa tuổi sử dụng cho từng sản phẩm nhưng ít người tiêu dùng biết được 2 dòng sản phẩm này hoàn toàn khác nhau, một dòng là sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi bị cấm quảng cáo và một dòng là thực phẩm bổ sung.

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ riêng nền tảng Youtube đã có khoảng 80 video quảng cáo dòng thực phẩm bổ sung Abbott Grow với hình ảnh hươu cao cổ, slogan “ước muốn cao hơn, thông minh hơn”, với tổng số lượt xem lên tới hàng chục triệu. Một số quảng cáo còn gọi loại thực phẩm bổ sung này là sữa, chưa phù hợp định nghĩa được quy định tại Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế.

 Abbott công bố có nhãn tương đối giống nhau, khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

Tương tự, dòng sản phẩm Similac do Abbott công bố cũng có dòng sản phẩm dinh dưỡng và dòng thực phẩm bổ sung. Theo khoản 4, Điều 2, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP: “Trẻ nhỏ là trẻ từ khi sinh ra đến 24 tháng tuổi”. Việc quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi bị nghiêm cấm theo quy định tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP và Luật Quảng cáo 2012. Điều 6, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP cũng nghiêm cấm sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.

Thế nhưng, khi quảng cáo dòng Similac Total Protection, Abbott dùng hình ảnh bà mẹ sinh mổ và sử dụng từ bé sinh mổ chưa được luật định để quảng cáo, dễ khiến người tiêu dùng liên tưởng tới những em bé vừa sinh mổ, tác động tới lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.

Đối với dòng thực phẩm dinh dưỡng y học PediaSure, Điều 3, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm giải thích: “Thực phẩm dinh dưỡng y học còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt (Food for Special Medical Purposes, Medical Food) là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế”.

Dòng thực phẩm dinh dưỡng y học có nhiều khuyến cáo và khi sử dụng phải có sự giám sát của nhân viên y tế, đã được luật định. Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm dinh dưỡng y học PediaSure, các nội dung khuyến cáo như “Không sử dụng cho trẻ bị bệnh Galactosemia”, “Không sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, trừ khi được Bác sĩ chỉ định”, “Tham khảo Bác sĩ/chuyên viên dinh dưỡng về nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của con bạn” thay vì đặt dưới mục CHÚ Ý hay KHUYẾN CÁO, lại đặt dưới phần BẢO QUẢN dẫn tới khó quan sát.

Việc quảng cáo và gắn nhãn như trên của Abbott là chưa phù hợp, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, tác động tới lựa chọn của người tiêu dùng. Abbott và các cơ quan chức năng cần nhìn nhận sự việc một cách nghiêm túc để kịp thời điều chỉnh, hướng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Nhân viên tư vấn sai quy định

Tháng 9/2023, trong vai người tiêu dùng, chúng tôi đã tới một số cửa hàng của chuỗi siêu thị Concung tại Xuân La, quận Hà Đông; Bigc Thăng Long, quận Cầu Giấy và tại Dốc viện Phụ sản, quận Ba Đình, TP.Hà Nội để tìm hiểu và mua sản phẩm.

Tại tất cả cửa hàng, chúng tôi đều được nhân viên bán hàng tư vấn sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng của Abbott không cần chỉ định của bác sĩ. “Bé nhà anh mới hơn 4 tháng tuổi, các dòng sữa này có cần chỉ dẫn của bác sĩ không”, chúng tôi lấy một số dòng sản phẩm dinh dưỡng Abbott Grow, Similac và Pediasure hỏi nhân viên bán hàng. Nhân viên này đáp: “Không, không. Không cần chỉ dẫn của bác sĩ. Cứ uống bình thường thôi”.

“Anh thấy ghi ở vỏ hộp là cần chỉ dẫn của bác sĩ”, chúng tôi hỏi tiếp. Nhân viên này khẳng định: “Tất cả các loại sữa, sữa nào cũng phải ghi như vậy. Đây là quy định bắt buộc. Sữa nào cũng có. Bé nhà mình không dị ứng cứ dùng bình thường. Luật của Việt Nam là phải in như thế mới bán được”.

Sản phẩm dinh dưỡng Abbott Grow 3 dành cho trẻ từ 1-2 tuổi bị cấm quảng cáo được giới thiệu công khai trên web của Concung. (Ảnh chụp màn hình).

Tiếp đó, trước mặt nhân viên bán hàng của chuỗi siêu thị Concung, chúng tôi liên hệ vào số tổng đài 19001519 của Abbott để nghe tư vấn. Sau khi khái quát về tình hình của trẻ nhỏ, chúng tôi hỏi: Anh đọc bao bì các sản phẩm dinh dưỡng của bên em thấy có chỉ dẫn “chỉ sử dụng các sản phẩm này khi có chỉ dẫn của bác sĩ. Cho anh hỏi dùng các sản phẩm này cần chỉ dẫn không?”. Nhân viên tổng đài cũng cho biết, không cần chỉ dẫn của bác sĩ.

Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi liên hệ tới tổng đài 19001519 của Abbott và nhận được câu trả lời chưa đúng quy định của pháp luật như vậy. Trong một lần liên hệ khác, chúng tôi được nhân viên tổng đài Abbott tư vấn cho một bé 4 tháng tuổi: “Hiện tại đối với bé ở độ tuổi của mình thì Pediasure, Similac, Abbott Grow… bé đều có thể sử dụng được hết, nhưng phải sử dụng theo độ tuổi”.

Nhân viên này cho biết: “Hiện tại Similac và Abbott Grow số 1 dành cho bé từ 0 – 6 tháng tuổi, Similac và Abbott Grow số 2 dành cho bé từ 6-12 tháng tuổi, Similac và Abbott Grow số 3 dành cho bé từ 12 tháng tuổi đến 2 tuổi, Similac và Abbott Grow số 4 dành cho bé từ 2 tuổi trở lên. Theo thông tin của mình thì không nhất thiết phải cần chỉ dẫn của bác sĩ đâu anh”.

Nhóm PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang