Vứt bỏ búp bê đầu trái cây vì sợ con nhiễm độc

author 10:47 02/01/2014

(VietQ.vn) – Sau khi có cảnh báo từ phía cơ quan chức năng về loại búp bê đầu trái cây có xuất xứ Trung Quốc chứa hàm lượng phthalate cực cao, có khả năng gây hại cho trí não và vô sinh cho trẻ nhỏ, nhiều bậc phụ huynh đã tự tay vứt bỏ loại đồ chơi gây hại này.

Hai mẫu búp bê được phát hiện chứa hàm lượng phthalate vượt mức cho phép nhiều lầnHai mẫu búp bê được phát hiện chứa hàm lượng phthalate vượt mức cho phép nhiều lần

Phụ huynh lo lắng

Chị Võ Thị Ngọc An ( Quảng Bá, Tây Hồ, HN), bà mẹ của cô con gái 3 tuổi cho biết: “ Tôi khá hoang mang khi biết thông tin loại búp bê con tôi yêu thích lại không an toàn. Cháu thường chơi, ôm con búp bê này mỗi ngày vì không chỉ nhìn chúng ngộ nghĩnh mà chúng còn có khả năng phát nhạc nên rất thu hút con trẻ. Biết chúng có độc, không lý do gì tôi giữ chúng lại nữa…”.

Theo chị An, món đồ chơi này chị mua từ năm ngoái, tại một cửa hàng bán đồ chơi tại phố Lương Văn Can, Hà Nội.

Giống như chị An, trên mạng xã hội facebook, chị Liên trú tại Nam Đồng ( Đống Đa, HN) cũng bày tỏ sự lo lắng khi món đồ chơi búp bê đầu trái cây đã được con chị sử dụng khá lâu. “ Tôi khá chủ quan khi mua đồ chơi cho con mình, thấy nó đẹp và ngộ nghĩnh thì mua cho cháu, ai dè lại có độc. Món đồ chơi này rất nhiều nhà mua cho con vì giá không quá đắt mà có nhiều hình trái cây  màu sắc đẹp mắt. Lúc mua cũng chẳng để ý đến tem nhãn gì cả, chỉ biết là hàng của Trung Quốc… có lẽ nên tẩy tay đồ chơi của nước này thôi”.

Được biết, búp bê đầu trái cây này vẫn được bán khá rộng rãi tại một số điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em và trên các shop online bán hàng trực tuyến.

Đề cập về chất độc hại mang tên phthalate có trong búp bê đầu trái cây, PGS-TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay phthalate là nhóm các hóa chất thông dụng, được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa để làm dẻo nhựa. Tuy nhiên, lạm dụng chất này rất nguy hiểm, nhất là trong thực phẩm và trong các sản phẩm đồ chơi trẻ em. Do mức độ nguy hại, đe dọa sức khỏe nên tại Mỹ người ta đã hạn chế sử dụng chất này trong đồ chơi trẻ em. Các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra bằng chứng phthalate có thể gây hại cho phát triển trí não của thai nhi và trẻ sơ sinh. Phthalate còn làm giảm testosterone trong việc phát triển giới tính nam.

“Nếu mua đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi  nhất thiết phải có dòng chữ cảnh báo về sản phẩm của nhà sản xuất, đặc biệt là không nên cho trẻ ngậm, mút, nhai đồ chơi để tránh nhiễm độc”, TS Côn khuyến cáo.

Nhiều phụ huynh đã vứt bỏ loại búp bê gây hại cho trẻ khi biết không tin đồ chơi nhiễm độcNhiều phụ huynh đã vứt bỏ loại búp bê gây hại cho trẻ khi biết không tin đồ chơi nhiễm độc

Cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và thu hồi

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), sau khi có kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm kỹ thuật Quatest 1 đơn vị này đã  gửi công văn cho các chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em. Nếu phát hiện, Thanh tra Bộ KH&CN và Quản lý thị trường sẽ xử phạt, tịch thu và tiêu hủy theo quy định.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cũng cho hay khi nhận được thông tin sẽ tiến hành kiểm tra rà soát loại đồ chơi này trên địa bàn Hà Nội, bên cạnh đó cũng sẽ kiểm tra những mặt hàng khác nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng tuần vào Việt Nam dịp cuối năm.

90% đồ chơi trẻ em trên thị trường là hàng Trung Quốc

Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH&CN, cho biết qua đợt thanh tra chuyên đề trên diện rộng về đồ chơi trẻ em từ tháng 8 - 10.2013 cho thấy 90% đồ chơi lưu thông trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập vào VN theo đường tiểu ngạch và cơ quan chức năng không quản lý được, không kiểm tra đánh giá được chất lượng. Hầu hết đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc không có nhãn hàng hóa, hoặc có nhãn (bằng tiếng Trung Quốc) nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, hoặc có nhãn phụ bằng tiếng Việt thì nội dung rất “mơ hồ”, chung chung, như “đồ chơi trẻ em”, “đồ chơi trẻ em dùng pin”, “đồ chơi trẻ em không dùng pin”... Lực lượng thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 672 cơ sở (chiếm tỷ lệ 39,3% số cơ sở được thanh tra), tịch thu tiêu hủy 19.596 đồ chơi các loại.

Thanh Uyên


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang