WHO cảnh báo: Trang trại chăn nuôi vẫn 'ngầm' dùng thuốc tăng trưởng

author 15:29 09/11/2017

(VietQ.vn) - Theo WHO, người chăn nuôi phải dừng ngay việc sử dụng kháng sinh trên vật nuôi bởi đây chính là một trong những "thủ phạm" làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.

80% thuốc kháng sinh đã được sử dụng trong các trang trại chăn nuôi

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo, dân vẫn hàng ngày nạp thuốc kháng sinh vào người qua đường ăn uống mà không hay biết.

Theo WHO, người chăn nuôi phải dừng ngay việc sử dụng kháng sinh trên vật nuôi bởi đây chính là một trong những "thủ phạm" làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, cùng với đó là các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người, báo Dân trí đưa tin.

Ngày 8/11, WHO đã đưa ra báo cáo về tình trạng khoảng 80% kháng sinh đã được sử dụng tại các trang trại chăn nuôi. Thậm chí ở những quốc gia cấm sử dụng chất tăng trưởng, kháng sinh được sử dụng nhiều trên động vật hơn là ở người.

Các hướng dẫn mới nhất từ tổ chức y tế toàn cầu này đề nghị nông dân ngừng sử dụng thuốc kháng sinh cho mục đích tăng trưởng nhanh và ngăn ngừa bệnh ở động vật nuôi, một thực tế đang phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có châu Á và Mỹ. Ngay cả châu Âu, nơi luật cấm đã ban hành, người ta nghi ngờ rằng vẫn có vi phạm.

 WHO cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Ảnh minh họa

 WHO cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Ảnh minh họa

Lạm dụng thuốc kháng khuẩn trong ngành chăn nuôi là một trong những "thủ phạm" hàng đầu gây ra tình trạng siêu kháng thuốc - kháng lại tất cả các kháng sinh mạnh nhất, khiến chúng trở nên vô tác dụng.

Vật nuôi dùng kháng sinh sẽ truyền trực tiếp (người chăn nuôi) hay gián tiếp (thực phẩm) các siêu kháng khuẩn cho con người. Một cuộc điều tra của tờ Guardian đã tìm thấy tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) trong nhiều mẫu thịt heo tại các siêu thị ở Anh.

Kazuaki Miyagishima, Phụ trách về An toàn thực phẩm, WHO, cho biết: Mối liên quan giữa sử dụng kháng sinh trong các trang trại chăn nuôi với nguy cơ sức khỏe ở người rất rõ ràng: “Các bằng chứng khoa học cho thấy lạm dụng kháng sinh trên vật nuôi góp phần vào tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động hiện nay. Lượng kháng sinh dùng cho vật nuôi đang gia tăng trên toàn thế giới, tương ứng với nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc động vật đang tăng lên”.

TS. Clare Chandler, Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, cho biết: “Những khuyến cáo này của WHO sẽ là một thách thức đối với các nhà cung cấp trong việc giảm sử dụng kháng sinh nhưng có thể là lợi thế với các đơn vị chăn nuôi quy mô – nơi có độ an toàn sinh học cao hơn. Nhiều nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ trên khắp thế giới đang bị phụ thuộc vào việc phải bổ sung kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi và những hành động thiết thực sẽ hỗ trợ họ, tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống và sinh kế của họ”.

8 thực phẩm dễ làm giả nhất người dùng cẩn trọng kẻo bị lừa(VietQ.vn) - Phô mai, sushi, mật ong...là những thực phẩm dễ làm giả nhất trên thị trường mà nhiều người không thể biết.

Tờ Guardian, trong một cuộc điều tra chung với Cục Điều tra báo chí, cũng đã chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng của các megafarm (được mô tả là những trang trại chăn nuôi tàn nhẫn và thái quá). Các megafarms cũng đang “lan nhanh trên toàn cầu và chúng liên quan với tình trạng kháng kháng sinh, khi mà hàng trăm vật nuôi sẽ được điều trị kháng sinh cùng lúc.

Việt Nam sẽ cấm sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi từ năm 2018

Tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi không chỉ có trên thế giới mà tại Việt Nam, trước đó, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết trên báo ANTĐ, hiện nay, không chỉ xảy ra tình trạng lạm dụng kháng sinh ở người mà trong chăn nuôi tình trạng này cũng rất phức tạp. Đáng nói, tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật, thủy sản thực phẩm) cũng là thủ phạm gây nên tình trạng kháng kháng sinh ở người, để lại những hậu quả khó lường và ngày càng có xu hướng lan rộng.

 Sử dụng thuốc kháng sinh trong vật nuôi vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe. Ảnh: Báo Công thương

 Sử dụng thuốc kháng sinh trong vật nuôi vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe. Ảnh: Báo Công thương

Theo khảo sát mới đây của Cục Thú y đối với 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang, mức sử dụng kháng sinh rất cao. Cụ thể, lượng kháng sinh trên đầu gia cầm ở đây cao gấp 6 lần so với mức ghi nhận được ở một số nước châu Âu.

Trong đó, 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh. Không chỉ vậy, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi có trộn sẵn thuốc kháng sinh cũng chiếm tỷ lệ cao. Trong mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất 1 loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Trong ngành chăn nuôi lợn, kháng sinh cũng bị lạm dụng với con số 286,6 mg hoạt chất kháng sinh/kg lợn hơi.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhiều năm nay, chúng ta vẫn cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, nhằm mục đích kích thích sinh trưởng và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này chính là nguyên nhân làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc. Nóng bỏng nhất hiện nay là tình trạng bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi một cách bừa bãi. Tồn dư kháng sinh trong thực phẩm đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của con người.

Đứng trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Việt Nam sẽ chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hết năm 2017 và từ năm 2018 sẽ cấm sử dụng, chỉ cho phép sử dụng trong phòng và chữa bệnh.

Theo lộ trình, từ năm 2020 trở đi, sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh, kể cả trong chữa bệnh và trong thức ăn chăn nuôi. Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi từ 43 loại trước đây nay cắt giảm chỉ còn 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31-12-2017.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, cái khó hiện nay là Bộ NN&PTNT cấp phép nhập khẩu, sản xuất một số loại kháng sinh trong chăn nuôi  nhưng có loại lại do Bộ Y tế quản lý, cấp phép. Do vậy, để việc quản lý kháng sinh một cách chặt chẽ, đòi hỏi hai bộ đều phải cùng vào cuộc. Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới vào hệ thống pháp luật hiện hành.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang