Bé gái bị teo não do côn trùng cắn, cha mẹ chớ bỏ qua

author 11:00 08/11/2017

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, khi trẻ bị một vết ngứa hoặc do côn trùng cắn cha mẹ không nên chủ quan mà đi khám để chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Một trường hợp thương tâm xảy ra mới đây nhất là cháu bé Bảo An (13 tháng tuổi trú tại thôn Thắng – Quảng Nham – Quảng Xương – Thanh Hóa) chỉ vì bị côn trùng cắn mà hiện đã bị teo não không còn nhận thức.

Theo lời kể của anh Bùi Văn Hướng (sinh năm 1988, bố cháu Bảo An) kể lại, vào khoảng giữa tháng 6/2017, con anh bị côn trùng đốt vào vành tai phía bên phải. Khi con mới bị đốt vợ chồng anh phát hiện ra ngay, nhưng chỉ nghĩ là muỗi đốt rồi sẽ khỏi nên không để ý.

Vết đốt đó sưng lên khoảng nửa ngày thì tai con gái anh Hướng trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, 2 ngày sau bỗng nhiên cháu Bảo Anh sốt cao co giật không thể cắt được cơn, quá sợ hãi hai vợ chồng vội vàng ôm con ra bệnh viện cấp cứu.

Chỉ vì vết côn trùng cắn mà bé Bảo An hiện không còn nhận thức như trước. Ảnh: Khám phá

Chỉ vì vết côn trùng cắn mà bé Bảo An hiện không còn nhận thức như trước. Ảnh: Khám phá

“Tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ làm xét nghiệm và chụp chiếu sau đó kết luận con tôi bị nhiễm độc tố từ côn trùng đốt và đã bị nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến não. Vì thế, bác sĩ yêu cầu phải nhập viện lọc máu ngay lập tức”, anh Hướng nói.

Khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm, hai vợ chồng anh Hướng vô cùng bất ngờ vì trong đầu anh chị chưa bao giờ nghĩ chỉ vì một vết đốt nhỏ mà con anh lại bị bất tỉnh như vậy.

Sau 2 tháng điều trị lọc máu tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhiễm trùng máu của cháu Bảo An được chữa khỏi. Tuy nhiên, do biến chứng của chất độc nên não của Bảo An bị teo 2 bên bán cầu, từ đó dẫn đến chân tay co quắp, mất trí giác hoàn toàn… Chỉ duy nhất đôi mắt là còn hấp háy khi nhận ra người thân.

Nói tới vết côn trùng cắn, các bác sĩ cho rằng, nhiều cha mẹ rất chủ quan khi thấy con bị những nốt ngứa trên người mà tự ý mua thuốc bôi ngoài da mà không đi khám. Điều này vô cùng nguy hiểm mà còn đe dọa tính mạng trẻ.

'Chùm' bệnh mùa Đông nguy hiểm 'sẵn sàng' tấn công gia đình bạn(VietQ.vn) - Mùa Đông đến là lúc xuất hiện rất nhiều căn bệnh khác nhau như cảm lạnh, viêm họng đau khớp... Dù là bệnh thông thường nhưng nếu không biết cách phòng, điều trị đúng cách cũng cực kỳ nguy hiểm.

Trường hợp của bé V. A (con chị Nguyễn Linh ở Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ. Chị Linh phát hiện những mụn nhỏ trên tay, chân của con gái. Đối chiếu với các triệu chứng bệnh tay chân miệng thấy vết ban không giống nhau, con lại không sốt nên chị nghĩ con bị kiến cắn hay muỗi đốt. Chị lấy kem trị côn trùng cắn bôi cho con, thế nhưng mụn cũ vừa lặn, mụn mới lại nổi lên, lần này lan ra khắp người. Do không thấy con có biểu hiện ngứa ngáy nên chị yên tâm tiếp tục dùng thuốc đó vì cho rằng từ từ mụn sẽ hết. Tuy nhiên,, sau đó, bé có biểu hiện sốt, ớn lạnh, nôn ọe...

Lúc này chị mới quyết định đưa con đi bệnh viện khám. Sau khi siêu âm, thử máu, bác sĩ kết luận con chị bị nhiễm trùng máu. Nguyên nhân có thể do bị côn trùng có độc đốt, các mụn mủ của con đã thành viêm da bội nhiễm chứ không phải chỉ là dị ứng thông thường. Cũng theo bác sĩ, nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến viêm não, viêm cơ tim, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Nói tới vấn đề này, BS Doãn Thạch (BV Da liễu Hà Nội) cho biết, tổn thương ngoài da do côn trùng cắn mới đầu là ngứa, nổi ban đỏ, hơi nề tại vùng tiếp xúc. Có thể xuất hiện các mụn nước, bọc nước và nóng, đau rát. Nếu nhiễm trùng sẽ có các mụn mủ nhỏ trên nền da đỏ, phù nề.

Cha mẹ không nên coi thường những vết ngứa trên da của trẻ. Ảnh minh họa

Cha mẹ không nên coi thường những vết ngứa trên da của trẻ. Ảnh minh họa 

Côn trùng cắn và đốt có thể chia thành 2 nhóm: độc và không độc. Nhóm côn trùng gây độc chúng tiêm chất độc tố qua vòi của chúng, gây đau đớn. Trong khi côn trùng không độc cắn da để hút máu, thường gây ngứa dữ dội.

Tuy nhiên hầu hết khi mọi người bị côn trùng cắn hoặc đốt đều gây ra một phản ứng nhẹ. Côn trùng độc đốt thường gây ra một cảm giác châm chích hoặc đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ.

Những trường hợp khá nhạy cảm với nọc độc của côn trùng, cảm giác đau nhói, có thể gây ra một phản ứng dị ứng trầm trọng được gọi là sốc phản vệ, có thể dẫn đến phù nề, khó thở và ngứa phát ban toàn thân. Điều này có thể đe dọa tính mạng cần phải được quan tâm và điều trị kịp thời.

Do trẻ nhỏ còn non yếu, các vết cắn, đốt có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Nếu trẻ gãi sẽ làm tổn thương hàng rào bảo vệ của da, khiến cho vi khuẩn dễ dàng tấn công. Nọc côn trùng có thể gây nhiều triệu chứng toàn thân như sốt, lạnh, nôn, ban da, ngứa, vàng da, co cứng cơ hay cứng cả một vùng nhiễm khuẩn nếu không được xử lí đúng cách và kịp thời rất nguy hiểm.

Các biện pháp đơn giản sau đây có thể ngăn ngừa côn trùng đốt và cắn:

Tránh dùng nước hoa và quần áo sáng màu để giảm nguy cơ bị côn trùng cắn. Kiểm soát mùi hôi tại những buổi dã ngoại, rác..., là nơi có thể thu hút côn trùng. 

Bao che thân thể với quần áo, nón, tất và găng tay khi đi vào khu vực có nguy cơ cao bị côn trùng đốt, cắn. Duy trì tốt vệ sinh cá nhân và hộ gia đình. Thường xuyên kiểm tra và tiêu diệt bọ chét ở mèo, chó và vật nuôi trong gia đình. Sử dụng chất xua côn trùng có sẵn ở thị trường có chứa DEET (diethyltoluamide) là những biện pháp hiệu quả nhất.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang