WTO kêu gọi: Cần kiểm soát chặt chẽ lương thực thay vì cấm hay hạn chế xuất khẩu

author 14:53 26/05/2022

(VietQ.vn) - Mới đây Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đề nghị các nước không cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực cơ bản.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala trao đổi với báo chí tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, tổ chức này đang cố gắng kêu gọi các nước thành viên kiểm soát chặt chẽ lương thực thay vì cấm hay hạn chế xuất khẩu.

"Chúng tôi không muốn tình trạng thiếu hụt lương thực trở nên trầm trọng hơn dẫn đến giá cả hàng hoá tăng vọt", bà nói.

Lời kêu gọi của bà Ngozi Okonjo-Iweala diễn ra ngay sau quyết định của Ấn Độ về hạn chế xuất khẩu đường – chỉ ở mức 10 triệu tấn cho năm xuất khẩu hiện tại (kéo dài đến tháng 9). Trước đó, quốc gia này cũng đã có lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ.

"Hiện có khoảng 22 nước với 41 lệnh hạn chế hoặc cấm xuất khẩu với thực phẩm", bà Okonjo-Iweala nói. Ngoài ra, bà cũng bổ sung rằng, nhiều hàng hoá đầu vào, như hạt giống, phân bón cũng nằm trong diện bị hạn chế.

 WTO kêu gọi không cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực. Ảnh: BLOOMBERG 

Tuy nhiên, số quốc gia cấm, hạn chế xuất khẩu này thấp hơn con số được Bloomberg trích dẫn từ Fitch Solutions trước đó. Bà Sabrin Chowdhury, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của Fitch Solutions cho biết, khoảng 30 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu. 

Trong đó, Malaysia gần đây công bố lệnh cấm xuất khẩu thịt gà. Động thái này khiến Singapore, nước nhập một phần ba thịt gà từ Malaysia, tỏ ra lo ngại. Ấn Độ hồi giữa tháng cũng hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và cách đây vài ngày lại lên kế hoạch tương tự với đường nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Quốc gia này là nước xuất khẩu lúa mỳ và đường lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Indonesia tuyên bố giới hạn bán dầu cọ. Nhiều quốc gia khác cũng áp hạn ngạch với ngũ cốc.

Sabrin Chowdhury cũng cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008. Chủ nghĩa này được dự báo tăng dần trong các tháng tới, gây rủi ro về an ninh lương thực.

Hạn chế xuất khẩu không chỉ là tin xấu đối với các nước nhập khẩu. Tiến sĩ David Adamson, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tài nguyên và thực phẩm toàn cầu tại Đại học Adelaide, cho biết họ cũng trừng phạt nông dân ở các quốc gia sản xuất bằng cách ngăn họ tận dụng giá quốc tế cao.

Trước thực trạng trên, bà Ngozi Okonjo-Iweala nói WTO hy vọng việc tổ chức này giám sát công khai các biện pháp kiểm soát như vậy sẽ ngăn cản được các nước thành viên đưa ra các quyết định tương tự.

"Vì lý do an ninh lương thực, các nước có thể hạn chế xuất khẩu trong một thời gian nhưng quyết định này chỉ nên mang tính tạm thời. Điều này cũng cần có sự minh bạch và cân đối", bà nói.

Lãnh đạo WTO cũng cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres "đang tham gia" vào các cuộc đàm phán nhằm mở hành lang vận tải qua Biển Đen giúp lương thực của Ukraine có thể tiếp cận thị trường quốc tế. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nguồn cung cấp phân bón, lúa mỳ và các mặt hàng khác từ hai nước này bị gián đoạn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang