Xác định quy chuẩn dự án cấp tín dụng xanh - Hướng đi chiến lược để tăng trưởng bền vững

author 15:46 18/11/2024

(VietQ.vn) - Phát triển tín dụng xanh là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thiếu quy chuẩn cụ thể đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Thành tựu và thách thức trong lĩnh vực tín dụng xanh tại Việt Nam

Trong xu thế toàn cầu hóa và gia tăng các vấn đề về môi trường, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Trong đó, tín dụng xanh đang nổi lên như một giải pháp tài chính quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tín dụng xanh – Công cụ thúc đẩy bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội vào ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay đã có 50 tổ chức tín dụng tham gia vào tín dụng xanh với tổng dư nợ khoảng 650.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tín dụng cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh đang chiếm tỷ trọng đáng kể.

Dù đã đạt được những bước tiến quan trọng, nhưng theo Thống đốc, ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu danh mục phân loại xanh từ các cơ quan quản lý, khiến các tổ chức tài chính gặp khó khăn trong việc thẩm định dự án. Đầu tư vào lĩnh vực xanh cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn, trong khi phần lớn nguồn vốn huy động của ngân hàng lại mang tính ngắn hạn.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng nhóm nghiên cứu khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, ngành ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các dự án thân thiện với môi trường. Theo bà, mô hình tín dụng xanh không chỉ giúp khuyến khích các doanh nghiệp duy trì các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp ngăn chặn sự phát triển của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

“Tín dụng xanh là công cụ tài chính quan trọng giúp kiểm soát các hành vi bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và ngăn chặn sự phát triển không kiểm soát của các doanh nghiệp gây ô nhiễm,” PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Nhận định về xu hướng tín dụng xanh tại Việt Nam, Luật sư Vũ Minh Tiến - Thành viên HĐQT VIAD Group, chỉ ra rằng hiện nay, mặc dù nhiều tổ chức tài chính đã có các gói tài chính xanh, nhưng hành lang pháp lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn để xác định dự án xanh chưa được thống nhất. Ông Tiến cho rằng thiếu những quy chuẩn cụ thể trong việc phân loại dự án xanh đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp và ngân hàng trong quá trình thực hiện tín dụng xanh.

"Thị trường hiện nay đang thiếu quy chuẩn thống nhất trong việc đánh giá và thẩm định một dự án xanh," ông Tiến chia sẻ.

Nhằm khắc phục vấn đề này, nhiều tổ chức tài chính đã áp dụng các quy định quốc tế để đánh giá dự án xanh. Chẳng hạn, SeABank đã áp dụng quy chuẩn của Indonesia và BIDV triển khai các khoản tiền gửi xanh. Tuy nhiên, để tín dụng xanh thực sự phát huy hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng quy chuẩn quốc gia để đảm bảo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Thị trường tín chỉ carbon – tiềm năng lớn cần khai thác

Bên cạnh tín dụng xanh, thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Luật sư Vũ Minh Tiến cho rằng, để Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ tín chỉ carbon, cần có một thị trường carbon hoàn chỉnh. Điều này không chỉ giúp tăng nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên mà còn hỗ trợ quản lý và giảm khí thải quốc gia.

Ngoài tín dụng xanh và thị trường tín chỉ carbon, ông Vũ Minh Tiến nhấn mạnh thương mại điện tử là một công cụ quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải. Với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường quốc tế như châu Âu và Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể tận dụng thương mại điện tử để vượt qua các rào cản thương mại, tiếp cận thị trường quốc tế một cách bền vững.

Phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam là xu hướng tất yếu, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia. Để tín dụng xanh thực sự trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp bảo vệ môi trường, Việt Nam cần sớm xây dựng quy chuẩn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang