8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hải Phòng tạm dừng hoạt động

author 14:17 15/11/2022

(VietQ.vn) - Tình trạng khan hiếm xăng dầu đang ngày càng trầm trọng hơn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và Hải Phòng cũng không nằm ngoài tình trạng này.

Theo Sở Công Thương Hải Phòng, từ ngày 01/11 đến ngày 10/11, Sở Công Thương tiếp nhận văn bản của 6 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu tại 8 cửa hàng xăng dầu.

Trong đó, Công ty TNHH XNK Phú Lâm tạm ngừng bán mặt hàng xăng A95 tại 3 cửa hàng; Cửa hàng xăng dầu Cầu Niệm, số 58 Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An từ 17 giờ ngày 7/11/2022; cửa hàng xăng dầu Tân Tiến (thôn Do Nha, xã TânTiến, huyện An Dương) từ 7 giờ ngày 8/11/2022; cửa hàng xăng dầu Đông Hải (số 1356 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Hải 2, quận Hải An) từ 10 giờ ngày 4/11/2022 cho đến khi nhập được hàng.

Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hoa Phượng xin tạm dừng bán hàng tại Cửa hàng xăng dầu Cầu Nguyệt từ ngày 7/11 đến ngày 30/12 để sửa chữa.

 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hải Phòng tạm đóng cửa. Ảnh: Hồng Thanh

Chi nhánh Công ty cổ phần nông sản AGREXIM Hải Phòng xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu AGREXIM Hải Phòng, địa chỉ số 310 Lê Duẩn từ 11 giờ ngày 10/11 đến khi nhập được hàng.

HTX Công ty Thương mại Việt Phương xin tạm dừng hoạt động kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu Hồng Quang, đường Vòng Cầu Niệm do không nhập được hàng.

Doanh nghiệp tư nhân Thành Long xin tạm dừng bán hàng tại cửa hàng xăng dầu số 1808 Tổ dân phố Nguyễn Huệ, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn do không nhập được hàng từ ngày 10/11.

Công ty Cổ phần thương mại tổng hợp Vân Trường xin tạm dừng hoạt động cửa hàng bán lẻ xăng dầu Minh Đức tại thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương, huyện An Dương từ ngày 15/11 để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.

Một số thương nhân phân phối như: Công ty cổ phần Petrotimes, Công ty TNHH xăng dầu Nam Ninh, Công ty TNHH XNK Phú Lâm báo cáo khó khăn về nguồn cung xăng dầu cho hệ thống do không mua được hàng từ thương nhân cung cấp xăng dầu dù doanh nghiệp chấp nhận mua với mức giá cao hơn giá bán lẻ để duy trì hoạt động kinh doanh. Ngoài ra còn có 7 doanh nghiệp xin điều chỉnh thời gian bán hàng xuống còn khoảng 10 giờ/ngày.

Thực tế đó cho thấy nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố có dấu hiệu khan hiếm hơn trước. Và để góp phần quản lý thị trường xăng dầu, hạn chế tình trạng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá, lực lượng QLTT thành phố và Sở Công Thương liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cửa hàng xăng dầu.

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 9 tổng kho xăng dầu với tổng dung tích là 450.000m³; 1 thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu; 13 thương nhân phân phối; 1 tổng đại lý; 6 đại lý bán lẻ xăng dầu; trên 250 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu (gồm cả cửa hàng xăng dầu mặt đất và mặt nước), trong đó có khoảng 110 cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex, PVOIL, Xăng dầu quân đội…

Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

Nghị định này quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam.

Tại Điều 2 quy định đối tượng áp dụng gồm:

1. Nghị định này áp dụng đối với thương nhân Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại.

2. Nghị định này không áp dụng đối với thương nhân nhập khẩu, sản xuất và pha chế các loại xăng dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không lưu thông trên thị trường theo đăng ký với Bộ Công Thương.

Về kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 

Tại Điều 7 quy định điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu là thương nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

2. Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu bảy nghìn tấn (7.000 tấn), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ năm (05) năm trở lên.

3. Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu mười lăm nghìn mét khối (15.000 m3) để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

Sau ba (03) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu năm mươi mốt phần trăm (51%) đối với hệ thống kho, đủ đáp ứng tối thiểu một phần ba (1/3) nhu cầu dự trữ của thương nhân quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này.

4. Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên.

Sau hai (02) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu năm mươi mốt phần trăm (51%) đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa có tổng sức chứa tối thiểu là ba nghìn mét khối (3.000 m3).

5. Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu bốn mươi (40) tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

Mỗi năm, kể từ khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu tối thiểu bốn (04) cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu một trăm (100) cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

6. Phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

7. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu nhiên liệu bay không bắt buộc phải có hệ thống phân phối quy định tại Khoản 5 Điều này nhưng phải có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của thương nhân.

Tại Điều 21, nghị định trên cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của đại lý bán lẻ xăng dầu

1. Được bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình theo giá bán lẻ do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức là bên đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối và được hưởng thù lao đại lý.

2. Chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối. Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học.

3. Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối khác.

Đại lý phải nằm trong hệ thống phân phối của tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó.

4. Chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu niêm yết, bán ra theo quy định.

5. Thực hiện chế độ ghi chép chứng từ phù hợp với hình thức kinh doanh là đại lý theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

7. Ngoài việc treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, nếu sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, phải thực hiện bằng hợp đồng phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ.

8. Phải đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của thương nhân với Sở Công Thương địa phương nơi cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho cửa hàng đó.

9. Phải đăng ký hệ thống phân phối với Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân có hệ thống phân phối.

Phải gửi thông tin hệ thống phân phối của mình cho bên giao đại lý là tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối để đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

10. Phải xây dựng, áp dụng và duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng.

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang