‘Xanh hóa’ ngành logistics là xu hướng tất yếu trên toàn cầu
Sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL
Xanh hóa logistics: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc
Trong tiến trình hội nhập toàn cầu, logistics nhanh chóng chuyên môn hóa và trở thành ngành dịch vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Logistics trở thành yếu tố thúc đẩy dòng chảy của các giao dịch kinh tế và cũng là hoạt động quan trọng đối với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, mặc dù giữ vị trí thiết yếu trong chuỗi sản xuất, thương mại nhưng logistics lại là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm tới khoảng 8% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2; trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm; đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới (1.090 gam CO2/GDP).
Do đó, phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của ngành. Mục đích của logistics xanh là tối ưu hóa mối liên hệ giữa việc vận hành kho, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên. Qua đó, phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng tài nguyên.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, ngành logistics Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển bởi nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về lĩnh vực này. Xu hướng đầu tư vào ngành logistics đang tăng nhanh, thể hiện qua các công trình hạ tầng như đường cao tốc, đầu tư sân bay Long Thành, mở rộng cảng biển, xây dựng các trung tâm logistics mới.
Mặt khác, khi doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy thị trường logistics của Việt Nam đem lại lợi nhuận cao, tốc độ và dòng vốn đổ vào ngành logistics sẽ rất lớn. Đầu tư gia tăng cũng tạo ra sự chuyển biến về mặt hạ tầng và kinh doanh dịch vụ có điều kiện phát triển tốt hơn.
Thế nhưng, năm 2023 sẽ rất khó khăn bởi thế giới đang trong tình trạng suy thoái và lạm phát, dẫn đến sự sụt giảm về hoạt động thương mại, kéo theo đó là logistics. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có nhận thức và đổi mới về xu hướng xanh hóa trong logistics. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm những tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa, hoạt động kinh doanh và chi phí gia tăng.
Bên cạnh đó, để xanh hóa ngành logistics, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế kiến nghị, Nhà nước cần sớm xem xét xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển logistics xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức, đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp.
Ngoài ra, về cơ chế, chính sách, cần khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển logistics xanh, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, thay đổi phương thức vận tải; tạo động lực thông qua giảm thuế và chi phí cho doanh nghiệp.
“Chúng ta cần xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính; chính sách tài chính và phi tài chính ràng buộc doanh nghiệp kinh doanh, ngành nghề, địa phương phải thực hiện logistics xanh; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh”, bà Trịnh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Mai Phương