Xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề ‘nóng’ tại ngân hàng

author 06:18 28/04/2019

(VietQ.vn) - Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng vẫn nhận được các chất vấn gay gắt vấn đề lợi nhuận, chia cổ tức và xử lý nợ xấu.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Ráo riết xử lý nợ xấu

Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng luôn thu hút sự quan tâm của cổ đông, đặc biệt liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây, một số cổ đông đề nghị nhà băng này tính toán chia cổ tức cho cổ đông, bởi mấy năm nay không được nhận cổ tức.

Về vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết, quỹ tích lũy cổ tức của Sacombank đến nay còn 2.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Sacombank đang trong giai đoạn tái cơ cấu, phải tập trung tối đa nguồn lực để xử lý nợ xấu nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu nên ngân hàng không được chia cổ tức.

 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, TGĐ Sacombank, mỗi năm nhà băng này đều ráo riệt xử lý nợ xấu. Cụ thể, năm 2017, đặt ra mục tiêu giảm được 20.000 tỉ đồng nợ xấu thì kết quả đã hoàn tất 19.000 tỉ đồng. Năm 2018, NH đặt ra mục tiêu giảm thêm 10.000-15.000 tỉ đồng thì cũng đã xử lý được 13.000 tỉ đồng.

“Còn năm 2019, chúng tôi đặt ra mục tiêu kéo tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 2% và tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu với mục tiêu tối thiểu phải xử lý được 10.000-15.000 tỉ đồng. Trong quý I/2019 thì NH đã xử lý được trên 5.000 tỉ đồng” bà Diễm nói.

Còn đối với ngân hàng TMCP Á Châu, một số cổ đông cũng yêu cầu HĐQT trả lời về khoản nợ 400 tỷ đồng đã cho ngân hàng Xây dựng (CB) vay từ 2012 đến nay nhưng chưa có thu hồi. Về vấn đề này, ông Đỗ Minh Toàn, TGĐ ngân hàng ACB xác nhận từ nhiều năm trước có cho CB vay 400 tỷ thông qua thị trường liên ngân hàng. Sau đó, ACB đã trích lập dự phòng rủi ro cho số tiền này và đến nay chưa thu hồi được. Tuy nhiên, theo ACB, khoản tiền cho vay này được CB thế chấp bằng 3 tài sản có giá thị trường khoảng 600 tỷ đồng. Hiện ACB tiếp tục phối hợp với lãnh đạo CB để giải quyết vấn đề này.

Thực tế, đây không phải lần đầu cổ đông ACB chất vấn HĐQT về vấn đề nợ khó đòi này. Trước đó, vào năm 2015, cổ đông của ACB cũng yêu cầu HĐQT giải trình về khoản nợ này. Tại thời điểm 2015, lãnh đạo ACB cho biết khoản nợ đã quá hạn, được phân loại vào nhóm 5.

Nợ xấu phình to, ai chịu trách nhiệm?

Tại ngân hàng ACB, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng GĐ ACB cho biết 400 tỷ của ACB còn “kẹt” tại CB Bank. Trước đó, tại ĐHCĐ ACB 2015, khi nhận được chất vấn của cổ đông về khoản nợ này, lãnh đạo ngân hàng này cho biết khoản nợ đã quá hạn, được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Cuối năm 2015, ACB cũng đã gửi công văn đề nghị NHNN xem xét cho ACB điều chỉnh kỳ hạn thu. Thế nhưng đến mùa ĐHCĐ 2019, ACB vẫn chưa thể thu hồi khoản nợ hàng trăm tỉ này.

 Ngân hàng Xây dựng (CB) 

Hay như AC Bank, trong tiến trình tái cơ cấu tại ngân hàng này suốt hai năm qua, lãnh đạo CB Bank luôn đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là thu hồi nợ hiệu quả nhất. Việc tập trung thu hồi khoản nợ 40.000 tỉ đồng theo phán quyết của tòa sẽ giúp CB Bank có thêm nguồn lực hùng mạnh để hoạt động tái cơ cấu ngân hàng trở nên hiệu quả và thực chất hơn. Đồng thời đây cũng là trách nhiệm mà CB Bank phải thực thi một khi bản án đã có hiệu lực.

Nếu CB Bank càng chậm trễ trong việc tìm ra biện pháp để thu hồi khoản nợ khổng lồ này thì thiệt hại sẽ ngày càng lớn (lên đến cả trăm tỉ đồng mỗi tháng). Nhưng làm thế nào để xử lý được khoản nợ khổng lồ đó và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu không đòi được nợ?

 Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang