Xử nghiêm vi phạm cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp

author 16:58 01/02/2023

(VietQ.vn) - Trong tháng 01/2023, Bộ đã chỉ đạo thanh, kiểm tra 821 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp, qua đó các địa phương đã xử phạt 142 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền hơn 733 triệu đồng.

Hiện nay, vấn đề phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 về vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Ban Bí thư ban hành đã đặt ra mục tiêu “tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn”.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 1384/QĐ-BNN-QLCL phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

 Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón. Ảnh minh họa.

Song song với đó, thời gian qua, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh... góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 01/2023, Bộ đã chỉ đạo thanh, kiểm tra 821 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp, qua đó các địa phương đã xử phạt 142 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền hơn 733 triệu đồng.

Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lấy 44 mẫu thủy sản giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả không phát hiện mẫu vi phạm. Đối với các địa phương, lấy 1.207 mẫu nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 20 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 1,65%. Đối với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, cơ quan chức năng đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 382 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, kết quả 381 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, chiếm 99,7%.

Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được duy trì xuyên suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp tổ chức đoàn kiểm tra nguồn cung đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quỹ Mão và mùa lễ hội Xuân 2023 tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Ngoài ra, từ đầu năm 2023, Bộ NN&PTNT đã chủ động trong xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Kết quả Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung 23 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, nâng tổng số lên 802 cơ sở; tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc, bổ sung sản phẩm (sứa muối) vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; xử lý các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang