Xử phạt 2 doanh nghiệp vi phạm hoạt động kinh doanh xăng dầu

author 16:53 24/05/2024

(VietQ.vn) - Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ vừa xử phạt vi phạm hành chính 120 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh và bán lẻ xăng dầu.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 8 kiểm tra đột xuất đối với Công ty Cổ phần Sunseaco Việt Nam (địa chỉ: xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính. Thương nhân phân phối xăng dầu ký hợp đồng với đại lý bán lẻ xăng dầu không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình cấp thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là: 70 triệu đồng.

Xử phạt vi phạm hành chính 120 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh và bán lẻ xăng dầu. 

Trước đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Tấn Lộc Phú Thọ, địa chỉ: xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu (Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu) theo quy định. Với những vi phạm này, Công ty TNHH Tấn Lộc Phú Thọ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 50 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương vừa ban hành loạt quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện của 4 thương nhân phân phối xăng dầu ở Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội và Quảng Nam.

Còn trong báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2023, Tổng cục đã thực hiện thanh tra đối với 86 thương nhân phân phối xăng dầu. Qua thanh tra, lực lượng Quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính 64 doanh nghiệp với số tiền hơn 6,72 tỷ đồng, xác định số tiền thu được từ số lợi bất hợp pháp hơn 1,54 tỷ đồng và thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 8,8 tỷ đồng.

Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục đã xử phạt và tước giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu từ 1-3 tháng đối với 16 doanh nghiệp.

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện nhiều thương nhân phân phối xăng dầu vi phạm trong quá trình kinh doanh. Các hành vi vi phạm phổ biến gồm: Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân đó đang là đại lý của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác: 23/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 36%.

Lỗi chủ yếu của các đơn vị gồm: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định...

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Dương, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, khoản 1, điều 3, chương I, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định: “Giấy phép kinh doanh xăng dầu" gồm: Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Trong trường hợp đơn vị kinh doanh hoặc cửa hàng kinh doanh xăng dầu nếu giấy phép hết hiệu lực vẫn thực hiện hành vi kinh doanh thì tại khoản 3, điều 20, mục 1, chương III, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Cũng theo Luật sư Hoàng Dương, trường hợp phát hiện những vi phạm khác có dấu hiệu nghiêm trọng, cơ quan chức năng có thể ban hành hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả, đơn vị vi phạm có thể phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang