Xử phạt 70 triệu đồng cửa hàng kinh doanh linh kiện giả mạo nhãn hiệu Apple và Samsung

author 07:51 27/09/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng thu giữ 2.363 linh kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple, Samsung và phạt hành chính một cửa hàng vi phạm.

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng đối với cửa hàng kinh doanh điện thoại di động ALO vì đã có hành vi vi phạm hành chính bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời tịch thu 2.363 cái linh kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple và Samsung.

Trước đó, qua thời gian trinh sát, theo dõi, nắm tình hình và sự phối hợp của đại diện nhãn hiệu Apple và Samsung tại Việt Nam, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 12 thuộc Cục QLTT Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh điện thoại đi động ALO tại địa chỉ 69 Hai Bà Trưng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Qua kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 1.048 phụ kiện điện thoại các loại gồm: Cốc sạc, vỏ máy điện thoại và kính ốp lưng điện thoại, trên hàng hóa có gắn nhãn chữ “Apple” và 1.315 cái phụ kiện điện thoại các loại gồm: Tai nghe, cóc sạc, Pin dự phòng và vỏ máy điện thoại, trên hàng hóa gắn nhãn chữ “SamSung” trùng hoàn toàn với nhãn hiệu Apple và SamSung đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam để tiến hành xác minh làm rõ.

Qua làm việc với Đại diện chủ thể quyền của nhãn hiệu Apple và Sumsung tại Việt Nam, so sánh phân tích, đối chiếu với hàng hóa đang tạm giữ cho thấy toàn bộ số linh kiện bị Đội QLTT số 12 thu giữ là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Apple và Samsung, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 91.249.000 đồng. Đoàn kiểm tra đã hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.

Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và biện pháp xử phạt 

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ như sau:


“1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan”.

Việc buôn bán hàng hóa giả mạo theo quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xử phạt hành chính:

“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”.

Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ;

b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

4. Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.

Cần chế tài đủ sức răn đe đối với hành vi kinh doanh thép giả mạo nhãn hiệu (VietQ.vn) - Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa là 30 cây thép hộp mạ kẽm giả mạo các nhãn hiệu Hòa Phát, Việt Đức đã được bảo hộ tại Việt Nam.

 Thanh Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang