Xử phạt chủ phương tiện vận chuyển hơn 5.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu
Rau mầm tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc
Thu hồi trứng gà của Milo's Poultry Farms và Tony's Fresh Market do nguy cơ nhiễm khuẩn
Theo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 6 ban hành quyết định xử phạt 10 triệu đồng một chủ hàng vận chuyển hơn 5.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu gồm bánh kẹo, nước giải khát, thạch hoa quả, xúc xích, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Cụ thể, ngày 4/9/2024, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn (Đội 389 tỉnh Lạng Sơn) tiến hành khám phương tiện ô tô BKS 12C-102.71 do ông M.V.D là người điều khiển phương tiện.
Kết quả khám phát hiện trong thùng chứa hàng hóa của xe ô tô BKS 12C-102.71 có cất giấu 5.454 sản phẩm hàng hóa nhập khẩu là bánh kẹo, nước giải khát, thạch hoa quả, xúc xích thuộc nhóm mặt hàng thực phẩm bao gói sẵn, trên bao bì chứa đựng trực tiếp hàng hóa có in tiếng nước ngoài. Tổng trị giá hàng hóa là 18.928.000 đồng.
Ông M.V.D là người điều khiển phương tiện vận tải không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay bất cứ giấy tờ gì khác liên quan đến toàn bộ số hàng hóa nhập khẩu nêu trên.
Đội Quản lý thị trường số 6 đã ban hành quyết định xử phạt ông M.V.D về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, phạt tiền 10 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Xử phạt chủ phương tiện vận chuyển hơn 5.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 6 tiếp tục tăng cường kiểm tra, phối hợp, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong dịp tết Trung thu đang đến gần. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ sức khỏe, lợi ích và quyền lợi của người tiêu dùng.
Liên quan tới nhãn hàng hóa, ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định. Nếu kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi các nội dung, trên nhãn, riêng nội dung được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Trường hợp trên nhãn gốc chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa. Sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
An Nguyên