Xử phạt Công ty TNHH Pema Aesthetic do vi phạm về quảng cáo dịch vụ đặc biệt
Hải Dương xử phạt 2 cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu
Xử phạt 860 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm trong năm 2023
Công ty Tạ Minh Quang bị xử phạt vì sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Trong công tác xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề y, dược có hành vi vi phạm trên địa bàn nên mới bước sang đầu năm 2024, Sở Y tế Hà Nội đã xử lý 4 cơ sở vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu là do không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, không báo cáo khi tạm dừng hoạt động, quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận...
Điển hình là Công ty TNHH Pema Aesthetic tại TT 03 khu liền kề, 609 Trương Định, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội bị xử phạt 45 triệu đồng. Nguyên nhân là do Công ty này có hành vi quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Đồng thời Sở Y tế còn buộc Công ty phải tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo về khám bệnh, chữa bệnh trên Internet.
Cùng bị xử phạt 7,5 triệu đồng do không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc có Nhà thuốc Anh Thắng- Số 333 Thụy Khuê, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội và Nhà thuốc Toàn Lê- Tầng 1 số nhà 15 ngõ 18 Nguyên Hồng, Láng Hạ, Đống Đa, TP. Hà Nội.
Cuối cùng là Quầy thuốc Hoàng Linh- Khu 3 thôn Xa Mạc, Liên Mạc , huyện Mê Linh, TP. Hà Nội (tại nhà bà Đoàn Thị Thoai) do không báo cáo Sở Y tế trong trường hợp tạm dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động nên bị phạt 2 triệu đồng.
Được biết, trong những ngày cuối năm 2023 Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra 14 quyết định, xử phạt 14 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập với số tiền 275 triệu đồng.
Sở Y tế Hà Nội cho biết thời gian qua, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập phát triển trên địa bàn Hà Nội đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở này gặp khó khăn. Những sai phạm vẫn tiếp diễn mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra.
Các vi phạm được phát hiện chủ yếu là: Hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; sử dụng nhân sự không đủ điều kiện trong hoạt động hành nghề; thu tiền dịch vụ y tế, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, quảng cáo dịch vụ y tế, quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng sai quy định, không bảo đảm quy chế chuyên môn trong quá trình hoạt động... Đáng lưu ý, vẫn còn tồn tại tình trạng cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép.
Nguyên nhân là do một bộ phận cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập coi trọng lợi nhuận, không tuân thủ đầy đủ các quy định về hành nghề khám, chữa bệnh và cung ứng thuốc. Trong khi đó, việc lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế, dịch vụ làm đẹp, người dân còn có thói quen tự mua thuốc. Công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực ít, trong khi số lượng cơ sở hành nghề lớn, địa bàn quản lý rộng; mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe.
Để khắc phục những tồn tại trên, ngành Y tế Hà Nội cần phối hợp với lực lượng chức năng, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập; tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn yếu tố nguy cơ, rủi ro như: phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm, cơ sở có yếu tố nước ngoài…
Bên cạnh đó, địa phương cần bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và có biện pháp cụ thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo đặc thù từng địa phương; kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở dịch vụ y, dược ngoài công lập hoạt động không phép, sai phép. Cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề y, dược có sai phạm; tuyệt đối không để tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động.
An Dương