Xuất hiện 2 lỗ hổng bảo mật nguy hiểm trên Microsoft Exchange Server

author 16:19 12/08/2021

(VietQ.vn) - Lỗ hổng bảo mật ProxyShell và ProxyOracle có mức ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đặc biệt là khi Microsoft Exchange Server được sử dụng phổ biến trong các cơ quan tổ chức.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, đầu tháng 8 vừa qua, các chuyên gia bảo mật đã công bố thông tin về lỗ hổng bảo mật mới liên quan đến lỗ hổng ProxyLogon, có nguy cơ liên kết thành chuỗi tấn công trong Microsoft Exchange Server.

Các chuyên gia nhận định đây là một sự khởi đầu cho chuỗi tấn công mới khi các lỗ hổng bảo mật được liên kết thành chuỗi tấn công, bao gồm ProxyShell và ProxyOracle. Các lỗ hổng này cho phép kẻ tấn công thực thi mã tùy ý trên Microsoft Exchange Server thông qua cổng 443.

Microsoft Exchange Server là hệ thống máy chủ ảo giúp các doanh nghiệp quản lý email, lịch, danh bạ và hỗ trợ người dùng thông qua máy tính để bàn, điện thoại di động và trình duyệt web.

Lỗ hổng bảo mật ProxyShell và ProxyOracle có mức ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Các chuyên gia cũng lưu ý, có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhóm APT đang tấn công vào những hệ thống thông tin sử dụng Microsoft Exchange Server thông qua các lỗ hổng bảo mật mới. Theo nhận định của chuyên gia NCSC, với việc Microsoft Exchange Server được sử dụng phổ biến trong các cơ quan, tổ chức, sản phẩm này nhiều khả năng sẽ là mục tiêu bị các đối tượng tấn công khai thác tích cực trên diện rộng.

Vì thế, để phòng tránh nguy cơ bị tấn công mạng qua các lỗ hổng mới, chuyên gia NCSC khuyến nghị các cơ quan, tổ chức cần nắm thông tin để kịp thời xử lý, đặc biệt là cần cập nhật bản vá cho Microsoft Exchange Server sớm nhất có thể.

Cảnh báo của NCSC về 2 lỗ hổng bảo mật mới trên Microsoft Exchange Server. 

Trước đó, hồi đầu tháng 7/2021, NCSC cũng đưa ra thông tin cảnh báo về lỗ hổng mới liên quan đến Windows Print Spooler. Cụ thể, CVE-2021-31527 - một lỗ hổng thực thi mã từ xa thứ 2 trong Windows Print Spooler (đang được cho là liên quan đến lỗ hổng CVE-2021-1675 trước đó). Việc khai thác thành công lỗ hổng này cho phép đối tượng tấn công thực thi mã tùy ý với các đặc quyền của hệ thống.

Cũng theo NCSC, trong tháng 6/2021 vừa qua, Microsoft đã công bố bản vá cho lỗ hổng bảo mật CVE-2021-1675 trong Windows Print Spooler cùng với thông tin bổ sung rằng thực tế lỗ hổng này có thể khai thác từ xa và tăng mức độ ảnh hưởng của lỗ hổng này từ thấp lên nghiêm trọng. Lỗ hổng này đang được gọi với cái tên là "PrinterNightmare". NCSC đã tham mưu để Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo sớm về mức độ ảnh hưởng của lỗ hổng bảo mật này (tại công văn số 2210/BTTTT-CATTT ngày 22-6) về việc dự báo sớm nguy cơ tấn công mạng trên diện rộng.

Cụ thể, trong công văn nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các thông tin liên quan tới lỗ hổng bảo mật CVE-2021-1675 được đánh giá có mức độ nguy hiểm cao (7.8/10) ảnh hưởng hầu hết các phiên bản của hệ điều hành Windows, cho phép đối tượng tấn công leo thang đặc quyền từ tài khoản người dùng.

Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-1675 không chỉ đơn giản là khai thác được khi có quyền truy cập trực tiếp vào máy tính/máy chủ cài đặt phiên bản hệ điều hành Windows bị ảnh hưởng, mà còn có thể tấn công thông qua một máy tính trong mạng. Lỗ hổng này có thể được tận dụng để tiến hành các chiến dịch tấn công có chủ đích (APT) lớn trên quy mô rộng trong thời gian ngắn sắp tới vào không gian mạng Việt Nam.

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin, NCSC đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có biện pháp ứng phó với nguy cơ tấn công này. Ngoài ra, theo NCSC, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần kiểm tra, rà soát và xác định máy chủ, máy trạm sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng; thực hiện cập nhật bản vá bảo mật cho các máy bị ảnh hưởng theo hướng dẫn của Microsoft.

Đặc biệt, tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng, đồng thời, thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời nguy cơ tấn công mạng.

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang