Xuất khẩu dệt may khởi sắc sau một năm liên tục sụt giảm

author 06:07 06/05/2021

(VietQ.vn) - Trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may liên tục tăng trưởng. Đến hết tháng Tư, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ, cho thấy xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã khởi sắc sau một năm 2020 liên tục sụt giảm.

Ngành dệt may trong 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi.

 Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), sản xuất ngành dệt may đang hồi phục tích cực trong 4 tháng đầu năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chính trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn tập trung vào các sản phẩm cơ bản như các sản phẩm dệt kim.

Thị trường tiêu thụ chính của dệt may Việt Nam vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trong đó, thị trường Mỹ tăng khả quan, châu Âu tăng chưa xứng tiềm năng do doanh nghiệp Việt chưa khai thác tốt lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

Theo các chuyên gia, dệt may Việt Nam đang có ưu thế trên một số thị trường xuất khẩu lớn. Tại thị trường EU, năm 2020 giá trị của 100kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh đã giảm 1% so với năm 2019, xuống còn 1.091,5 euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 euro; giá trị của 100kg áo thun cotton của phụ nữ hoặc trẻ em gái sản xuất tại Bangladesh giảm 7%, xuống còn 1.329,5 euro, còn của Việt Nam không thay đổi ở mức 2.157,8 euro. Tại thị trường Mỹ, giá 1 tá áo thun cotton Bangladesh giảm 20% vào năm 2020, xuống còn 17,99 USD, Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD; giá áo len chui đầu của Bangladesh giảm 2%, còn Việt Nam vẫn ổn định ở mức 46,9 USD.

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng khá nhanh với điều kiện kinh doanh mới thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây.

Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí đết hết năm như May Sài Gòn 3, Saigon Garmex, Việt Tiến....

Nhận định về mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may đạt 39 tỷ USD trong năm 2021 này, bà Hoàng Ngọc Ánh- Tổng Thư ký VITAS- cho rằng, xuất khẩu dệt may năm 2021 sẽ khả quan và toàn ngành sẽ hoàn thành mục tiêu 39 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, ngành dệt may được nhận định vẫn sẽ chịu sự tác động theo xu thế chung của toàn cầu như sự bất ổn về đơn hàng, giá giảm.

Do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp dệt may trong nước cần bám sát thay đổi của thị trường, điều chỉnh sản xuất kịp thời, tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa- đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh- bà Hoàng Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang