Xuất khẩu hàng hóa năm 2023: Nhiều cơ hội, thách thức mới

author 11:28 05/01/2023

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhờ chủ động thực hiện linh hoạt các biện pháp tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, mang đến nhiều cơ hội mới trong năm 2023.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%.

Cũng trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%). Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.

 Xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt nhiều dấu ấn quan trọng. Ảnh minh họa.

Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhờ chủ động thực hiện linh hoạt các biện pháp tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục đạt được những kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá: “Thành tích về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì xuất siêu trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của các FTA thế hệ mới. Nếu không có các thị trường này, chúng ta đã nhập siêu chứ không phải xuất siêu.

Thêm nữa, đây đều là các thị trường thuộc loại “khó tính” nên việc hàng hóa của Việt Nam tìm được chỗ đứng đã cho thấy năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, đã có những bước cải thiện, giúp Việt Nam từng bước khai thác hiệu quả hơn các FTA thế hệ mới”.

Để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2023, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, quy trình phương thức quản trị doanh nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ tham gia FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu. Cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách, giải pháp cho các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích, hỗ trợ doanh nghiệp nắm chắc quy định để tận dụng các cơ hội; khắc phục hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế các FTA.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương với các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Đồng thời, phát triển xuất khẩu theo chiều sâu tới những thị trường truyền thống, như Mỹ, EU, Trung Quốc, các nước Đông Á, ASEAN.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang