Bệnh tay chân miệng đang vào mùa, cách nhận biết nhanh và chính xác

author 19:00 09/04/2018

(VietQ.vn) - Bệnh tay-chân-miệng hiện tại chưa có thuốc đặc trị, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Một năm có 2 mùa dịch là từ tháng 3-5 và 9-12.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay-chân-miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.  2 virut gây bệnh chính là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71, lây truyền theo đường tiêu hóa. Trong nhóm virus gây bệnh, nguy hiểm nhất là Enterovirut 71, lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả gây viêm não, có tỷ lệ tử vong cao, di chứng lớn. 

Bệnh phổ biến ở nhiều nước châu Á. Riêng tại nước ta, có hai mùa dịch của bệnh tay-chân-miệng là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.

Bệnh tay-chân-miệng là gì và cách nhận biết
Những biểu hiện của bệnh tay-chân-miệng. Ảnh Sức khỏe và đời sống

Cách nhận biết bệnh tay chân miệng

Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là từ 3-7 ngày.

Sốt là triệu chứng biểu hiện thấy rõ nhất ở bệnh tay chân miệng. Thường trẻ sốt nhẹ ở 37,5-38oC kéo dài 24 đến 48 giờ.

Sau đó, khoảng 1-2 ngày, xuất hiện đau trong miệng, các bóng nước đường kính 2-3 mm trên niêm mạc miệng vỡ ra, đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét làm cho trẻ rất đau khi ăn và tăng tiết nước bọt.

Bên cạnh đó, người bệnh tay-chân-miệng còn bị phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ, đôi khi còn có hiện tượng rộp da (bóng nước). Bóng nước xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, cơ quan sinh dục, ấn vào không đau. Một số trường hợp bóng nước xuất hiện rất ít xen kẽ với những hồng ban; hoặc không có bóng nước mà chỉ hồng ban đơn thuần, hay chỉ loét miệng đơn thuần.

Triệu chứng báo hiệu bệnh nặng: Sốt cao không giảm, hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, tiêu chảy, nôn ói nhiều, tay chân run, dáng đi loạng choạng, thở nhanh, khi ngủ hay bị giật mình. Trong giai đoạn diễn tiến, khi siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay có giật.

Đặc biệt, người bị bệnh tay-chân-miệng có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có phát ban, loét miệng. Nhiều trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và dẫn đến tử vong.

Bố mẹ nên nhận biết các dấu hiệu trên ở trẻ để cho nhập viện ngay. Không nên để trẻ ở nhà để chữa trị bằng các phương pháp dân gian. Trẻ khi mắc bệnh cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời để tránh nhưng biến chứng nguy hiểm đáng tiếc xảy ra.

Hoàng Yến (t/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang