Chủ tịch TP.Hà Nội: Mô hình đô thị thông minh phải mang lại an toàn, tiện ích cho người dân

author 06:11 14/07/2018

(VietQ.vn) - Theo chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, mô hình đô thị thông minh bền vững mà thành phố Hà Nội hướng tới phải tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.

Tại Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do UBND TP. Hà Nội chủ trì, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số.

Và cũng giống như các siêu đô thị khác, Hà Nội cũng đang gặp phải nhiều thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều người di cư về thành phố để sinh sống, các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường,... Do đó, nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh, bảo đảm các yếu tố bền vững là một yêu cầu cấp thiết.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói thêm rằng, quản lý xây dựng “Đô thị thông minh” gần đây là một xu thế đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai thành công. Thành phố Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, thực tế ảo, điện toán đám mây, robot, trí tuệ nhân tạo.... “Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm ra phương thức và các bước đi thích hợp nhằm xây dựng đô thị thông minh bền vững”, ông Chung nói.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội đang tích cực triển khai kế hoạch xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: Phạm Hùng 

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho hay, hiện nhiều câu hỏi được đặt ra, đó là: tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 sẽ được giải quyết ra sao? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đô thị thông minh bền vững của Hà Nội? Việc đào tạo nguồn nhân lực sao cho có hiệu quả? Việc khắc phục các mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào? Và đặc biệt các việc Thành phố cần xây dựng kế hoạch để triển khai như: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số; Xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng; Đào tạo nguồn nhân lực số; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Xây dựng nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, xây dựng công nghiệp công nghệ số... sẽ được thực hiện như thế nào?

Tựu chung lại các câu hỏi trên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Mô hình đô thị thông minh bền vững mà thành phố Hà Nội mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0”.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã và đang triển khai rất nhiều công việc để hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh như đã xây dựng các kế hoạch để số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có của thành phố, xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ cho việc quản lý, điều hành của thành phố. Hà Nội cũng đã xây dựng những cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ cho việc điều hành của thành phố như cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu về đất đai... 

Bên cạnh đó, thủ đô đang triển khai các dịch vụ để phục vụ cho việc quản lý, điều hành của Thành phố như xây hệ thống iParking để quản lý toàn bộ hệ thống chỗ đỗ xe tự động, hay xây dựng hệ thống quản lý điều hành toàn bộ giao thông thành phố.

Ông Chung bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, các học giả trong và ngoài nước, sự hợp tác của chính quyền các thành phố trên thế giới, của cộng đồng các doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói chung và xây dựng đô thị thông minh nói riêng.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, vận hành đô thị thông minh. Trong đó, có đề cập đến tình hình triển khai đô thị thông minh của TP Hà Nội cũng như những năng lực mới do công nghệ đem lại như: điện toán đám mây; kết nối và đo lường trực tuyến; xử lý dữ liệu quy mô lớn khi ứng dụng công nghệ; nhận dạng; công nghệ số, di động...

Những công nghệ tiến bộ sẽ giúp đô thị xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn…

Bảo Lâm

Thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực đô thị thông minh, công nghệ chiếu sáng LED (VietQ.vn) - Hội thảo về tiêu chuẩn hóa đối với thiết bị chiếu sáng công nghệ LED và đô thị thông minh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vừa được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động này tại tại Việt Nam.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang