Chương trình OCOP khoác 'chiếc áo mới’ cho các sản phẩm nông thôn

author 05:58 18/04/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia đánh giá, có OCOP, các sản phẩm nông thôn, làng nghề như được khoác trên mình cái áo mới. Nhưng để chiếc áo này luôn đẹp và bền thì chính chủ thể cũng đòi hỏi phải tự vận động, quảng bá, xây dựng hình ảnh và đảm bảo chất lượng.

Kể từ khi triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 1 (2018 – 2020), đã có 72% trong số hơn 6.000 sản phẩm OCOP trên toàn quốc tham gia chương trình được công nhận 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu). Những con số đầy ấn tượng cho thấy sức lan tỏa của một chương trình quốc gia đang tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Các chuyên gia đánh giá, có OCOP, các sản phẩm nông thôn, làng nghề như được khoác trên mình cái áo mới. Nhưng để chiếc áo này luôn đẹp và bền thì chính chủ thể cũng đòi hỏi phải tự vận động, quảng bá, xây dựng hình ảnh và đảm bảo chất lượng.

Các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh - tỉnh đi đầu cả nước trong phát triển OCOP - đều được ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu về mẫu mã, bao bì. 

PGS.TS. Trần Văn Ơn - "cha đẻ" và là Cố vấn Quốc gia chương trình OCOP nhận định, giai đoạn 1 vẫn khai thác “kho” có sẵn nên nhiều địa phương có rất nhiều sản phẩm được công nhận OCOP. Thế nhưng sang giai đoạn 2 (2021-2025) với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP thì cần phải đi vào chiều sâu, tiếp tục khai thác sản phẩm mới.

 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, sẽ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; phấn đấu có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.

 

Cụ thể, ông Ơn cho rằng, giai đoạn này cần khuyến khích người dân sáng tạo, phấn đấu; đồng thời sàng lọc hỗ trợ các chủ thể đã đạt trong giai đoạn 1 để phát triển, tăng năng lực kinh doanh, tính minh bạch cho sản phẩm.

Theo Sở Công Thương tỉnh Nam Định, trong một làng nghề có rất nhiều sản phẩm và rất nhiều hộ kinh doanh. Nếu nhiều hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm và được công nhận sẽ có hàng trăm sản phẩm giống nhau. Do đó, Sở Công Thương Nam Định định hướng sẽ thành lập hợp tác xã, để cho một chủ thể đứng tên một sản phẩm cũng như tạo sự chuyên môn hóa, đồng nhất trong sản phẩm. Về phía tỉnh sẽ hỗ trợ, phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng không công nhận tràn lan.

Theo quy định của chương trình, sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong 3 năm. Để sản phẩm luôn đáp ứng được yêu cầu, Nam Định đang xây dựng quy chế quản lý sản phẩm có ứng dụng công nghệ nhằm giám sát sản phẩm của tỉnh. Dự kiến trong quý II/2021, Nam Định sẽ ban hành và triển khai quy chế này.

Với các sản phẩm đã công nhận, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các địa phương cần có cơ quan thẩm định lại để tránh việc công nhận tràn lan, để sản phẩm đã là OCOP thì người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm tin dùng, tránh có thể xảy ra tình trạng làm tùy tiện gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người tiêu dùng, dẫn đến ảnh hưởng chương trình.

Đi đầu cả nước trong phát triển OCOP và khẳng định chất lượng sản phẩm này của địa phương, ông Vũ Thành Long  - Trưởng Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban chỉ đạo OCOP tỉnh cho biết, hàng năm, địa phương tiến hành kiểm tra các sản phẩm. Sản phẩm chưa tốt sẽ nhắc nhở và sản phẩm có chiều hướng không đảm bảo sẽ bị loại khỏi thị trường OCOP. Thời gian vừa qua, tỉnh đã loại trên 60 sản phẩm, nhiều nhất toàn quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn tới, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP gắn với hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP quốc gia, tập trung hoàn thiện và công bố thương hiệu OCOP Việt Nam được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 cũng đã lưu ý các địa phương khi tham gia chương trình đó là "không được làm theo phong trào, phải làm theo quy luật cung cầu; trong đó gắn với nhu cầu cả trong nước, khu vực và quốc tế, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương".

Hà Nội: Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP (VietQ.vn) - Hội chợ Nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP thu hút trên 120 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là điểm nhấn trong việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm và sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang