Đặc sản Bắc Giang bứt phá nhờ ứng dụng thành công KH&CN

author 15:28 28/05/2015

(VietQ.vn) - Sau khi áp dụng KH&KT vào sản xuất, thương hiệu gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn... của tỉnh Bắc Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại doanh thu lớn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Những năm qua, các đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho tỉnh Bắc Giang, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa thành các vùng tập trung; diện tích, giá thành của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tăng lên so với trước khi chưa xây dựng thương hiệu; nhờ phát triển nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế, mỗi năm người dân đã có doanh thu từ nuôi gà bình quân 59 – 76,5 triệu đồng/hộ/năm;…

Theo báo cáo, giai đoạn 2012 – 2015, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định, tạo hành lang pháp lý tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động KH&CN. Công tác xây dựng kế hoạch, chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN đã được đổi mới theo hướng tập trung, không dàn trải, đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương. 

Đặc sản Bắc Giang bứt phá nhờ ứng dụng thành công KH&CN

Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nhiều nước

Thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong hầu hết các lĩnh vực đã có những tác động tích cực đến công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh. Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở đâu có sự sáng tạo trong đổi mới các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, chính sách ở đó có sự tiến bộ vượt bậc. 

Trong nông nghiệp, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng; giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản mới có năng suất chất lượng cao được đưa vào sản xuất; áp dụng thành công kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để tạo ra đàn lợn giống tốt, phục vụ chương trình nạc hóa đàn lợn; ứng dụng công nghệ thanh lọc, phục tráng giống lúa, đã tuyển chọn được nhiều dòng lúa nguyên chủng có chất lượng gạo tốt theo hướng xuất khẩu, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. 

Các đề tài, dự án KH&CN thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa thành vùng tập trung như: miến dong (huyện Sơn Động); chè, cam (huyện Yên Thế); gạo thơm (huyện Yên Dũng); nấm (huyện Lạng Giang); khoai tây (huyện Việt Yên); vùng dược liệu Ba kích, Hà thủ ô, Ngưu tất, Địa liền, Địa hoàng,… (huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam, Sơn Động);… từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp.

Cụ thể, dự án quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn cho sản phẩm vải thiều được nhân rộng quy mô với 8.500ha theo mô hình VietGAP. Năm 2014, diện tích cây vải thiều đạt khoảng 32.000ha, chiếm 74% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, bằng 34% diện tích vải thiều toàn quốc. Sản lượng vải tươi hàng năm đạt 155.000 tấn, trong đó sản lượng vải VietGAP khoảng 45.000 tấn. Giá bán trung bình đã tăng thêm 3.000 đồng/kg so với trước khi chưa xây dựng thương hiệu. Việc triển khai thực hiện sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tăng giá trị từ 20-30% so với vải thiều sản xuất thông thường, đáp ứng một số yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Với giá trị tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường, diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tăng giá trị 90 tỷ đồng/năm. Điển hình năm 2014, với 1ha vải VietGAP cho 15 tấn quả, giá bán bình quân 20 – 25 nghìn đồng/kg, cao hơn vải thông thường 9-10 nghìn đồng/kg, trừ tri phí cho lãi khoảng 200 triệu đồng/ha.

Từ khi có thương hiệu "Gà đồi Yên Thế ", việc chăn nuôi gà đã trở thành nghề phổ biến đối với nhiều hộ dân của huyện. Lợi thế so sánh về gà thương hiệu đã giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.

Dự án KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống, nấm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao và bảo quản, chế biến nấm đã giúp chủ động sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện đã có khoảng 120 – 150 hộ gia đình có diện tích nuôi trồng nấm từ 300m2 trở lên. Một số trang trại đạt sản lượng trung bình từ 30 – 50 tấn nấm tươi/năm trở lên và cho thu lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Sản lượng nấm tươi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn, doanh thu khoảng 25-30 tỷ đồng/năm.

Không dừng lại ở đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã đặt ra một số mục tiêu chính cho những năm tới là phát triển KH&CN phải góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh theo hướng bền vững. Tăng cường tiềm lực KH&CN (nguồn nhân lực, mức đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và thông tin phục vụ hoạt động). Đồng thời đổi mới cơ chế quản lý, phát triển KH&CN gắn với xây dựng cơ chế, chính sách.

Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh phát triển KH&CN nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ KH&CN, nhất là áp dụng công nghệ về giống, công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản sau thu hoạch, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao tinh thần tự lực tự cường, sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động KH&CN;…


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang