Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Không còn tư tưởng 'sống chết mặc bay' khi Covid-19 ập đến

author 07:18 07/06/2021

(VietQ.vn) - Có lẽ trước đây nhiều người vẫn coi trọng lợi ích cá nhân hơn, tư tưởng “sống chết mặc bay”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng” nhưng đến nay, rõ ràng Covid-19 giúp chúng ta hiểu rõ về giá trị của sự phát triển bền vững, sự đoàn kết, chung tay của cộng đồng.

Kể từ khi bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 như một “gáo nước lạnh” dội lên nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Ngay lập tức, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp nước ta đứng vững và tiếp tục phát triển. Đáng chú ý, ngày 29/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong đại dịch Covid-19. Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân để cùng bàn luận rõ hơn về những giải pháp này.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

 

Thưa ông, ngay sau khi đại dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong đại dịch Covid-19. Vậy ông đánh giá như thế nào về tác động của Nghị quyết này trong thời gian qua?

Chúng ta đều thấy Nghị quyết 84 có tác động rất lớn và khá toàn diện trên nhiều mặt để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19. Trước tiên là việc giải quyết khó khăn về mặt tài chính, thông qua các chính sách như giảm thuế đất, hoãn các khoản nộp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Tiếp đó, Nghị quyết 84 cũng giảm áp lực về trả nợ, thông qua chính sách như giãn các khoản nợ, không chuyển nợ vay thành nợ xấu, những doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên được giảm cả lãi suất vay ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo giảm lãi suất cho vay nói chung… nhằm tạo điều kiện để giảm áp lực trả nợ và tạo điều kiện về nguồn vốn thuận lợi hơn.

Nghị quyết 84 cũng tác động đến các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực như chuyên gia nước ngoài. Cụ thể, cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp các quy định về phòng chống dịch…

Thêm nữa, Nghị quyết cũng đã tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo sự thông thoáng nhất có thể cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài. Chính nhờ điều đó mà dù trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn rất nhiều doanh nghiệp mới được thành lập và số lượng doanh nghiệp đóng cửa hay phá sản cũng không quá đột biến. Đồng thời, Nghị quyết 84 cũng chỉ ra việc quyết liệt, ưu tiên phòng chống dịch phải song hành với không làm đứt gãy các hoạt động kinh tế. Chính việc thực hiện tốt “mục tiêu kép” này đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vượt qua Covid-19, hướng đến phát triển bền vững.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện, cụm từ “phát triển bền vững” ngày càng được nhắc đến nhiều. Ông nhận định như thế nào về cụm từ này?

Phát triển bền vững thể hiện rất rõ trên góc độ tạo ra tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Chúng ta biết rằng chính nhờ tính độc lập, tự chủ của các hoạt động kinh tế trong nước mà cho dù các hoạt động xuất nhập khẩu trên thế giới có bị gián đoạn, đứt gãy do dịch Covid-19 hay các cú sốc khác, thì hoạt động kinh tế, thị trường trong nước vẫn được duy trì, tạo ra sự ổn định của đời sống dân sinh.

Một vấn đề tiếp theo chính là bền vững về mặt xã hội. Ở đây, bền vững xã hội không chỉ dừng lại ở việc phát triển để tạo ra giá trị về lợi nhuận, mà nó còn tạo ra sự phát triển bao trùm của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chúng ta nhìn thấy rất rõ thông qua Covid-9, tính chất gắn kết giữa một cá nhân với cộng đồng là rất cao. Bất kể cá nhân nào cũng không thể tách ra khỏi cộng đồng, kể cả những người giàu nhất thì trong bối cảnh Covid-19 cũng phải sống như những người bình thường.

Covid-19 cho thấy ý nghĩa về lợi ích cộng đồng, những hoạt động của cộng đồng phải được coi trọng, đặt lên hàng đầu để tạo ra an toàn chung của xã hội. Có lẽ, trước đây nhiều người vẫn coi trọng lợi ích cá nhân hơn, tư tưởng “sống chết mặc bay”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng” nhưng đến nay, rõ ràng Covid-19 làm chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị của sự chung tay của cộng đồng.

Thứ 3, yếu tố bền vững liên quan đến môi trường. Thực tế, những địa phương, địa bàn mà môi trường duy trì tốt, cân đối, hài hòa thì nguy cơ dịch khá thấp. Trong khi đó những nơi tập trung quá đông người, mất cân đối môi trường thì nguy cơ lây lan dịch bệnh mạnh hơn. Qua đây, chúng ta cũng cần nhìn nhận cuộc sống của con người gắn liền với môi trường tự nhiên, gần như con người ta quay lại “cuộc sống chậm” để có được giá trị bền vững.

Với vai trò là Đại biểu Quốc hội, ông có kiến nghị cũng như giải pháp gì giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hồi phục sau Covid-19?

Theo tôi, trước hết về mặt chủ trương, chúng ta đặt ưu tiên cho các tuyến đầu phòng chống dịch. Sau tuyến đầu phòng chống dịch chúng ta phải đặt ưu tiên thứ 2 cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có điều kiện để phòng chống dịch tốt nhất mà vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chiến lược của chúng ta hiện nay là thực hiện 5K đi kèm với tiêm chủng vắc xin, tôi cho rằng sau lực lượng tuyến đầu thì lực lượng công nhân – đối tượng sản xuất kinh doanh trực tiếp - là đối tượng cần được ưu tiên tiêm phòng vắc xin. Đối tượng ưu tiên này có thể được tiêm chủng bằng chính nguồn lực của nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp. Và vừa qua, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam đã được thành lập.

Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Nghị quyết 84 và nhiều chính sách hỗ trợ khác cần được tiếp tục được duy trì nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cần coi trọng ý kiến của doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách, thủ tục cần công khai, minh bạch…

Đặc biệt, trong những chính sách hỗ trợ về tài chính, tôi nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ về vốn. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có điều tiết để lãi suất giảm thấp, nhưng trên thực tế biên độ lãi suất cho vay còn rất lớn, có thể an toàn cho Ngân hàng nhưng lại vẫn khó khăn cho doanh nghiệp…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Vắc xin là quyết định, kịch bản là quan trọng(VietQ.vn) - Kinh tế và y tế là hai mặt không thể tách rời nhau. Khống chế được dịch, kinh tế mới khả quan. Làm sao sớm có đủ vắc xin, kịch bản, chính sách và giải pháp nào để phục hồi và phát triển kinh tế? Đó là nội dung trao đổi của TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương với Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống.

Nguyễn Xen (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang