Dễ mất răng vì tin vào ‘công nghệ’ phủ sứ trắng răng nano

author 07:28 01/12/2018

(VietQ.vn) - Công nghệ phủ sứ trắng răng nano được nhiều trung tâm thẩm mỹ quảng cáo là “công nghệ hiện đại”. Nhưng về bản chất, đây chỉ là trám răng bằng vật liệu composite có hạt độn nano và những nguy cơ theo kèm thì không hề nhỏ.

Phủ sứ trắng răng nano: Công nghệ hiện đại hay lừa đảo?

Cụm từ “phủ sứ trắng răng nano” được nói đến rất nhiều thời gian qua. Khắp các cơ sở spa, các trung tâm thẩm mỹ, người người nói về phủ sứ trắng răng nano. Tại đây, chi phí cho một cuộc tiểu phẫu này dao động từ 7 - 15 triệu đồng, có cơ sở thẩm mỹ thậm chí đắt gấp rưỡi. Trên các website, nhiều cơ sở nha khoa cũng đăng tin thực hiện các ca phủ sứ trắng răng nano. Giá thành tại các cơ sở này có thể rẻ hơn đôi chút, nhưng tối thiểu cũng 5 triệu đồng cho một ca.

Phủ sứ trắng răng nano được nhiều cơ sở nha khoa và trung tâm thẩm mỹ quảng cáo trên mạng xã hội

Vậy phủ sứ trắng răng nano thực sự là công nghệ gì? Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Phú Hòa - Phòng khám nha khoa Phú Hòa, thì phủ sứ trắng răng nano thực tế chỉ là trám răng bằng vật liệu composite có độn hạt nano. Là một người có 20 năm kinh nghiệm trong ngành nha khoa, bác sỹ Phú Hòa khẳng định chưa hề nghe thấy cái gọi là “công nghệ phủ sứ trắng răng nano” như lời quảng cáo.

Trên thực tế, trám răng bằng vật liệu composite được áp dụng cho những trường hợp răng mất men nhiều, đen sậm màu, không có khả năng hồi phục độ sáng trắng bằng các phương pháp khác. Công nghệ này đã có từ hàng chục năm qua và thông dụng trên khắp thế giới. Chỉ là khi về Việt Nam, phương pháp thẩm mỹ này được Việt hóa bằng những tên gọi mỹ miều, qua đó dễ dàng “móc túi” người tiêu dùng.

Để thực hiện công nghệ phủ sứ mà nhiều cơ sở nha khoa đang ca ngợi hiện đại bậc nhất, cơ sở cần chuẩn bị 1 bộ thiết bị đơn giản bao gồm: máy làm sạch và đánh nhám răng, tuýp sứ phủ, đèn chiếu làm chắc sứ và một số loại keo kèm dụng cụ bổ trợ trong quá trình làm nghề. Với 1 tuýp sứ giá 1 triệu có thể làm được cho 2 khách, sau từ 2 đến 4 giờ thực hiện, các cơ sở có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Cũng bởi nguồn lợi khổng lồ như vậy, cơ sở thẩm mỹ và trung tâm nha khoa đang đua nhau quảng cáo về cái gọi là công nghệ phủ sứ trắng răng nano. Trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, có thể bắt gặp các cơ sở kể trên mời chào quảng cáo khách hàng. Ghé vào một cơ sở spa trên đường Cầu Giấy (Q. Cầu Giấy, Hà Nội), tôi được nhân viên của spa tư vấn: “Chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, chị sẽ sở hữu một hàm răng siêu trắng - siêu bền - siêu cứng - siêu đẹp từ công nghệ nano với giá chỉ 6,5 triệu đồng hai hàm”.

Các chuyên gia nha khoa khuyến cáo, nên thận trọng khi phủ sứ răng bằng composite

Nguy cơ tiền mất tật mang

Thế nhưng, kết quả lại chỉ là sự trái ngược với những lời quảng cáo mỹ miều. Mới đây, chị Phạm Thảo Trinh (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện mình đi làm phủ sứ trắng răng công nghệ nano tại một cơ sở thẩm mỹ. Chị Trinh cho biết: “Sau khoảng một tuần làm răng là mình bắt đầu cảm thấy hơi nhức nhức, chân răng bị viêm và rất khó chịu. Thứ hai là những lúc ăn uống xong mình vệ sinh răng miệng nó không thể vào được phần răng hỏng của mình và mình cảm thấy bị hôi miệng”.

Trên diễn đàn làm đẹp “Hội chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ” thu hút 300.000 thành viên trên mạng xã hội Facebook, một cuộc “đấu tố” về công nghệ làm đẹp phủ sứ trắng răng nano do nhiều nạn nhân chia sẻ. Hầu hết đều cảm thấy thất vọng tràn trề với công nghệ làm đẹp được quảng cáo là hiện đại nhất thế giới này. Những câu chuyện như chị Phạm Thảo Trinh không hề hiếm, thậm chí có những nạn nhân còn phải nhận hậu quả nặng nề hơn.

Trong khi đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi muốn làm đẹp bằng trám răng vật liệu composite - hay như quảng cáo là “phủ sứ trắng răng nano”, khách hàng chỉ nên thực hiện tại các cơ sở, trung tâm y tế lớn, có giấy phép và đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cũng như các bác sỹ chuyên khoa có tay nghề. Tuyệt đối tránh thực hiện ở các spa, cơ sở thẩm mỹ không đáng tin cậy.

Nếu thực hiện ở các cơ sở không đảm bảo, khả năng rất lớn xảy ra tình trạng thợ làm răng không đúng kỹ thuật chuyên môn. Thoạt nhìn khách hàng có thể thấy đẹp mắt với hợp chất tạo màu, phủ sứ. Tuy nhiên lâu dài sẽ gây ra tình trạng viêm nướu, viêm nha chu, chấn thương khớp cắn, sâu răng tái phát, hôi miệng, lung lay răng, mất răng... Khi đó, công cuộc phục chế, chữa trị răng còn tốn kém và khó khăn gấp nhiều lần.

Trào lưu gắn răng khểnh làm đẹp: Coi chừng rước họa vào thân!(VietQ.vn) - Thời gian gần đây, giới trẻ rộ lên trào lưu gắn răng khểnh hoặc răng nanh giả, chủ yếu bằng hợp chất nhựa. Tuy nhiên, nguồn gốc, chất lượng các loại răng giả thẩm mỹ này cũng như hợp chất keo đi kèm là vấn đề cần cảnh báo.

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang