Hà Nam: Vì sao Sông Đáy đang biến thành 'sông chết'?

author 06:41 11/07/2018

(VietQ.vn) - Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy, chảy qua các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng tỉnh Hà Nam đang trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và dần biến sông Đáy trở thành “sông chết”.

Đã nhiều năm nay, người dân sống ở các khu vực gần sông Đáy, đặc biệt là phía Tây sông Đáy địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng ( bao gồm địa bàn 05 xã, thị trấn : Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thủy, thị trấn Kiện Khê của huyện Thanh Liêm và 07 xã, thị trấn: Khả Phong, Liên Sơn, Thi Sơn, Thanh Sơn, Tân Sơn, Tượng Lĩnh và thị trấn Ba Sao của huyện Kim Bảng) thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

Nước sông khu vực Tây Đáy từ nhiều năm nay rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: Ngọc Xen

Thực trạng mức độ ô nhiễm nguồn nước tại sông Đáy

Theo số liệu quan trắc phân tích tài nguyên môi trường gần đây nhất (năm 2015) do Sở TN&MT tỉnh Hà Nam cung cấp, môi trường nước mặt tại một số vị trí trên sông Đáy có nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt QCVN. 

Bảng chất lượng nước sông Đáy năm 2015 do Phòng TN&MT huyện Thanh Liêm cung cấp

Theo bảng kết quả trên, một số chỉ tiêu đặc trưng của nước mặt đều vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT như BOD5 vượt từ 1,67 đến 3 lần, COD vượt từ 1,13 đến 2,13 lần, NH4+ vượt từ 4,2 đến 12 lần. Chất lượng nước sông Đáy đang bị suy giảm trầm trọng.

Bà Đinh Thị Oánh (Thanh Tân, Thanh Liêm) - người dân sống tại khu vực Tây Đáy cho biết: “Trước kia, nước sông Đáy trong xanh, sạch gần như nước máy, dân chúng tôi thường ra sông lấy nước về ăn và sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, từ nhiều năm trở lại đây, nước sông bẩn, thậm chí bốc mùi khó chịu, cá tôm chết hàng loạt, ô nhiễm trầm trọng, chúng tôi không thể dùng nước sông được nữa…”

Vậy nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm này là do đâu?

Nguyên nhân khiến dòng sông Đáy trong xanh dần biến thành "sông chết"

Theo “Đề án Tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy địa bàn các huyện Thanh Liêm, Hà Nam” do Phòng TN&MT huyện Thanh Liêm cung cấp, vấn đề ô nhiễm nguồn nước của sông Đáy bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:

Diện tích mỏ khai thác đá sau khi đã bị phá vỡ làm mất lớp thảm thực vật bề mặt, gặp mưa làm xói mòn, chảy tràn.

Một số doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lí nước thải công nghiệp, nước thải vẫn xả trực tiếp ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Hoặc đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu như: Nhà máy xi măng Xuân Thành (theo báo cáo kết quả quan trắc tháng 12/2015) và hầu hết nước thải của các nhà máy mặc dù đã được xử lý đảm bảo QCVN14:2008/BTNMT -- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt, nhưng các chỉ tiêu đều cao hơn nhiều so với QCVN 08-MT:2005/BTNMT, điều này dẫn tới việc gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong môi trường nước mặt.

Nhà máy xử lý rác thải tại khu vực này chưa có trạm xử lý nước rỉ rác và bãi rác cũ không được thiết kế hợp vệ sinh, lượng rác thải tồn đọng quá lớn. Vì vậy, hàng ngày nước rỉ rác ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt.

Nguồn nước mặt sông Đáy ô nhiễm nặng, một phần do nước thải từ thành phố Hà Nội đổ về, một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh nội tỉnh xả thải trực tiếp vào sông Đáy. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Kim Bảng có nhiều bến cảng tự phát không được cấp phép. Vị trí các bến hàng hóa hầu hết đều có quy mô, diện tích chiếm đất và công suất nhỏ, không đáp ứng được khối lượng hàng hóa và loại tàu lớn, hoạt động gây ô nhiễm môi trường như tình trạng rơi vãi VLXD xuống lòng sông, khói, bụi của các phương tiện cơ giới xả thải ra trong quá trình vận hành, gây mất mỹ quan dọc hai bên sông Đáy. Một phần nhỏ, do tàu bè hoạt động xả thải trực tiếp xuống sông cũng là một nguyên nhân khiến dòng sông thêm phần ô nhiễm nặng nề.

Giải pháp xử lý vấn đề là gì?

Dựa theo Đề án đưa ra, mục tiêu đến năm 2020 giải quyết các vấn đề sau:

100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu vực thực hiện nghiêm những nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản tiến hành phục hồi môi trường theo đúng kế hoạch trong các đề án phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

95% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển, trong đó 80% được xử lý đảm bảo theo quy định của pháp luật.

100% rác thải được thu gom xử lý...

Mức độ ô nhiễm của sông Đáy khu vực phía Tây, Hà Nam tuy có giảm hơn so với trước, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý, giải quyết triệt để. Các biện pháp xử lý đã phát huy tác dụng, nhưng có lẽ chưa đạt được hiệu quả cao bởi nước sông vẫn ô nhiễm, vẫn gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ô nhiễm nguồn nước đang ở mức báo động không chỉ riêng khu vực Tây Đáy tỉnh Hà Nam, mà đó còn là tình trạng chung diễn ra nhiều nơi trên cả nước. Nếu như các biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng không được thực hiện rốt ráo, có sự kiểm soát nghiêm ngặt, không giải quyết tận gốc vấn đề, người phải gánh chịu hậu quả trước tiên chính là người dân.

Ngọc Xen

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang