Không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển nền kinh tế Việt Nam

author 06:29 03/03/2021

(VietQ.vn) - TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp; trong đó, số hóa trong quản trị hoạt động doanh nghiệp là điều cần sự quan tâm thích đáng.

Những năm gần đây và đặc biệt trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nổi lên như một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN, thu hút đáng kể một lượng vốn đầu tư trung hạn từ nước ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng và với nhiều chính sách hỗ trợ, Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng đã tập trung nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, hướng tới việc đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có nền kinh tế số, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu trong hội nhập.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử thông minh tại Nhà máy Vinsmart.  

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và trước tác động của công cuộc hội nhập đỉnh cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); đặc biệt là làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh... đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, hiện đại hóa về công nghệ và tái cấu trúc chiến lược phát triển để thay đổi mô hình hoạt động.

"Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn, nhỏ, vừa đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế về đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và kinh doanh có trách nhiệm hơn. Thế giới của ngày hôm nay sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp; trong đó, số hóa trong quản trị hoạt động doanh nghiệp là điều cần sự quan tâm thích đáng", ông Lộc nhấn mạnh.

Trước đây, việc quản trị doanh nghiệp được hỗ trợ bởi một số phần mềm đơn lẻ như kế toán, bán lẻ, quản lý kho... thì hiện nay, các doanh nghiệp đang hướng tới giải pháp quản trị tổng thể và đồng nhất mọi hoạt động của doanh nghiệp. Với giải pháp này sẽ đem lại sự linh hoạt hơn và đáp ứng được những thay đổi liên tục về quy mô cũng như cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo nên một cuộc đua tranh khốc liệt về công nghệ giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, nếu không tham gia vào tiến trình này để giúp hoạch định chiến lược, quản lý tài chính, nhân lực, sản xuất và marketing nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu và khó có thể bắt kịp xu thế phát triển.

Bên cạnh đó, báo cáo thường niên về Kinh Tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain Company cũng cho thấy lượng khách hàng tham gia các nền tảng số tăng 41% ở Việt Nam - mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. Doanh nghiệp có thể tìm thấy 74% khách hàng mới trên các nền tảng số ở các khu vực đô thị và các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giao dịch qua Internet hay các nền tảng số cũng ngày càng gia tăng về tỷ lệ và số lượng...

Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực về tỷ lệ tăng trưởng người dùng mobile banking app và số lượng các dịch vụ liên quan tới tài chính số, ngân hàng số, chăm sóc sức khỏe số cũng không ngừng  được cải thiện. Từ những thực tế ấy, các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp không thể "bình chân như vại" và cần sớm có nhận thức đúng đắn để nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển bằng cách đổi mới.

Bốn khuyến nghị thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam(VietQ.vn) - Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng ghi nhận và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tiến bộ kinh tế đòi hỏi có sự thay đổi trọng tâm phát triển vào năng suất yếu tố tổng hợp của nền kinh tế thay cho phương thức phát triển dựa vào thị trường lao động chi phí thấp và thâm dụng đầu vào như hiện nay.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang