Miền Trung sau bão số 11: Nhiều di tích bị thiệt hại nặng nề

author 13:04 17/10/2013

Tại các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế, theo thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm 5 người chết và mất tích, 27 người bị thương, hàng nghìn nhà bị hư hỏng, nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc, cột điện, cây cối bị gẫy đổ. Nhiều di tích miền Trung hoang tàn sau bão.

Tại TP Hội An, Quảng Nam một trong những nơi nằm trong vùng tâm bão đi qua- suốt đêm 14.10 đến ngày 15.10 vẫn mưa lớn, gió rít dữ dội, giật cấp 14-15, nước sông đã dâng cao gây ngập lũ các tuyến đường phố cổ. Các đường Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học,… trong khu phố cổ đã ngập từ 1-1,5m.

Người dân phải di chuyển bằng thuyền, hoặc lội nước. Khu phố cổ Hội An tả tơi, hoang tàn, cây xanh bị trốc rễ, ngã đổ khắp nơi, gây trở ngại khi lưu thông bằng xe máy, ô tô. Nhiều du khách đang lưu trú tại Hội An đã phải hủy lịch trình dự kiến vì các chuyến bay từ Đà Nẵng đi các nơi bị hoãn do bão. Tại vùng biển Cửa Đại, sóng biển đã đánh dồn dập từ ngày 14.10 khiến khu vực bờ biển này bị sạt lở nghiêm trọng.

Trước đó, từ 16 giờ ngày 14.10 các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển đã hoàn tất công tác sơ tán các khách đang lưu trú đã di dời gần 1.300 du khách đang lưu trú tại 10 khách sạn ven biển Cửa Đại đến nơi an toàn.

Thành phố Hội An chi ngân sách hàng trăm triệu đồng mua các nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ở nơi trú tránh bão.



Hội An hoang tàn sau bão


Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban PCLB TP Hội An - thì Hội An cũng lo ngại tình trạng biển xâm thực sâu vào đất liền. Ở đợt bão số 8, số 10 vừa qua, bão đã ảnh hưởng, gây sạt lở, xâm thực với tổng chiều dài khoảng 3 km tại khu vực biển phường Cửa Đại, sóng lớn cuốn đoạn đê, uy hiếp nhiều khu du lịch biển.

Chính quyền Hội An đã điều động 50 công nhân và 200 đoàn viên thanh niên cùng phương tiện và hàng ngàn bao tải cát kè chắn sóng tại các điểm xung yếu. Chuẩn bị 10.000 bao cát để chèn lấp tại khu vực biển lở̉. Tại khu phố cổ, mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ngập nhiều vùng trũng thấp và nhiều tuyến đường ở khu phố cổ từ chiều ngày 14.10.

Đến ngày 15.10, nhiều tuyến đường trong phố cổ vẫn còn chìm trong nước. Thành phố đã dừng hoạt động tất cả các tuyến đò ngang, khuyến cáo du khách và người dân không di chuyển khi nước lũ còn lớn.

Sáng qua 15.10 ngay khi cơn bão số 11 chưa ngớt, tại Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương. Theo đánh giá ban đầu, dù bão Nari có cường độ gió thấp hơn cơn bão Xangsena 2006, nhưng thời gian bão đổ bộ vào đất liền kéo dài không kém gì Xangsena, và đáng nguy hiểm hơn là thời điểm lại diễn ra vào nửa đêm về sáng.

Đáng chú ý, quận Liên Chiểu là một trong những địa phương bị thiệt hại khá nặng. UBND quận cho biết, bão số 11 đã làm sập đổ hoàn toàn 32 ngôi nhà, tốc mái hoàn toàn và một phần 450 ngôi, 1 tàu cá neo đậu tránh bão tại đảo Lý Sơn bị sóng đánh bể be. Cây cối bị bão gây gãy, đổ rất lớn, ước hàng chục nghìn cây các loại, tuy nhiên, không thiệt hại về người.



Con đường du lịch Bạch Đằng nhiều đoạn bị hư hại

Cây cổ thụ ở công viên TP Huế bị gió quật ngã

Tính đến chiều 15.10, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có 1 người bị lũ cuốn mất tích và 11 người khác bị thương trong khi giằng chống nhà cửa phòng chống bão. Có 17 nhà bị sập hoàn toàn và 669 nhà bị tốc mái, phần lớn là ở huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông.

Toàn tỉnh hiện đã có gần 1.700 nhà bị ngập trong nước lũ, trong đó huyện Quảng Điền có 756 nhà bị ngập. Do cây xanh gãy đổ nhiều, nên tàu SE1 và SE21 bị kẹt tại ga Huế đến chiều cùng ngày mới thông tuyến trở lại.

Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế, trong thời gian bão số 11 đổ bộ có 6.814 du khách đang lưu trú tại địa phương, trong đó có 3.615 khách quốc tế. Thực hiện công điện của UBND tỉnh và Sở VHTTDL, các cơ sở lưu trú đã tổ chức công tác đảm bảo an toàn cho du khách. Tại khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Laguna Resort (huyện Phú Lộc), đã chuyển khách ở các khu biệt thự ven biển vào các khu nhà cao tầng phía trong; khu du lịch Anna Mandara (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) cũng tích cực di chuyển các du khách đến các phòng ít gần biển hơn và tổ chức trực 24/24 giờ.

Từ sáng 15.10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ) cũng đóng cửa các điểm tham quan di tích nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Tại Đại Nội Huế, gió bão đã làm gãy nhiều nhánh cây.

Hệ thống công trình trùng tu Ngọ Môn Huế được đơn vị thi công và TTBTDTCĐ Huế giằng néo vững chắc nên không bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chánh Văn phòng TTBTDTCĐ Huế cho biết, mặc dù đơn vị đã thông báo rộng rãi là đóng cửa các điểm di tích từ sáng 15.10 nhưng vẫn có một số đoàn khách quốc tế đến muốn tham quan Đại Nội. “Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho du khách, và công tác khắc phục, vệ sinh sau bão ở khu vực Đại Nội nên chúng tôi đã từ chối đón tiếp họ”- ông Phúc cho biết.



Ở Huế gió vẫn to nhưng nhiều du khách đã ra đường đến các điểm tham quan


Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh bị thấm dột tại nhà trưng bày Di Luân Đường. Một số kho hiện vật, khu vực trưng bày bị hỏng mái, thấm dột, đơn vị đã phủ bạt che chắn kịp thời, không có hiện vật nào hư hại do thấm nước gây ra. Tuy nhiên, một số công trình do đơn vị quản lý ở những vùng thấp trũng, chịu ảnh hưởng của việc xả lũ làm nước sông dâng cao đã bị ngâm nước khá lâu, có nguy cơ sụt lún. Nhà lưu niệm Dương Nỗ gió lớn đã làm hệ thống cây xanh và cây cảnh bị hư hỏng và ngã đổ.

Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, thiệt hại do bão số 11 gây ra chủ yếu là hệ thống cây xanh tại các điểm di tích, cơ sở du lịch, thể thao bị gãy đổ. Riêng tại Đại Nội Huế, có hơn 100 cây xanh- cây cảnh bị gãy và hư hại; riêng các đơn vị thuộc tỉnh có khoảng 150 cây bị hư hại. Tuy nhiên, tại các khu nghỉ dưỡng ở ven biển lại bị ảnh hưởng nặng: khu nghỉ dưỡng Anna Mandara (huyện Phú Vang) bị sập tường ngăn cách, kè đê bao chắn sóng, chắn cát khá nặng (hơn 50m); hệ thống các công trình và cảnh quan của các khu resort Laguna Lăng Cô, Vedana (huyện Phú Lộc)... đều bị hư hại nặng. Ước tính thiệt hại của các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển tại Lăng Cô và Thuận An khoảng 10 tỉđồng.

Theo ghi nhận của PV Báo Văn Hóa tại Huế, từ sáng đến gần trưa 15.10 vẫn có nhiều đoàn du khách quốc tế đến các điểm tham quan di tích, hoặc đi dọc các tuyến phố để xem bão. Trong khi đó vào thời điểm này, gió vẫn thổi mạnh ở cấp 7 và rất nhiều cây xanh gãy đổ; rất nguy hiểm đến sự an toàn của khách du lịch. Khoảng hơn 10 giờ, vẫn có một hướng dẫn viên nam dẫn hai du khách nước ngoài đến trước Ngọ Môn Huế. Tuy nhiên, do đơn vị quản lý di tích đóng cửa nên họ đành trở về.

Theo công điện của UBND tỉnh và Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế đã yêu cầu các đơn vị lữ hành dừng, hoãn các tour trong sáng 15.10; các cơ sở lưu trú hướng dẫn và giúp đỡ du khách trong việc di chuyển để đảm bảo an toàn cho du khách. Thế nhưng thực tế vẫn có nhiều du khách đi dạo trong khi gió bão vẫn thổi rất mạnh.

Theo Báo Văn hoá

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang