Ransomware 2.0 – Khi trí tuệ nhân tạo trở thành “cánh tay nối dài” cho tội phạm mạng

(VietQ.vn) - Rủi ro mạng không còn dừng ở mã độc tống tiền – trí tuệ nhân tạo (AI) đang biến ransomware thành vũ khí tấn công toàn diện và khó lường hơn bao giờ hết.
Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN
Cảnh báo: Trojan giả mạo Google Play tấn công 750 ứng dụng ngân hàng, mua sắm
Tấn công mạng gia tăng, gây thiệt hại hàng triệu USD: Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt
94% tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng bị tấn công mạng trong năm qua
Kaspersky cảnh báo các cuộc tấn công lừa đảo tiếp tục nhắm vào doanh nghiệp tại Đông Nam Á
Từ mã hóa dữ liệu đến chiến lược tống tiền ba lớp
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, khi doanh nghiệp đang nỗ lực ứng dụng AI để tối ưu hóa vận hành, thì các nhóm tin tặc cũng đang tận dụng chính công nghệ này để nâng cấp “vũ khí” tấn công. Ransomware – phần mềm độc hại tống tiền đang bước vào một thời kỳ mới với tên gọi không chính thức: Ransomware 2.0, nơi AI đóng vai trò trung tâm trong việc gia tăng sức mạnh của các cuộc tấn công mạng.
Ảnh minh họa.
Nếu như trước đây, ransomware chủ yếu hoạt động bằng cách mã hóa dữ liệu và yêu cầu tiền chuộc để khôi phục, thì các biến thể hiện nay đã tiến hóa tinh vi hơn. Các hình thức như tống tiền kép (double extortion) và tống tiền ba lớp (triple extortion) đang trở thành chuẩn mực mới. Tin tặc không chỉ mã hóa dữ liệu, mà còn đánh cắp thông tin nhạy cảm và đe dọa công bố chúng nếu nạn nhân không trả tiền. Đôi khi, nạn nhân không còn bị mã hóa dữ liệu mà bị ép trả tiền chỉ vì dữ liệu đã bị đánh cắp.
Không dừng lại ở đó, tin tặc còn tấn công vào khách hàng, đối tác và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, biến họ thành “con tin” gián tiếp để gây áp lực trả tiền chuộc. Thêm vào đó, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) hoặc làm tê liệt toàn bộ hệ thống trong thời gian dài cũng được tận dụng để tạo áp lực.
AI hỗ trợ do thám và tấn công tinh vi
Một điểm đột phá lớn trong ransomware 2.0 chính là khả năng do thám tự động nhờ AI. Tin tặc giờ đây sử dụng các thuật toán học máy để quét lỗ hổng hệ thống, phân tích cơ sở hạ tầng mạng và tự động hóa việc triển khai tấn công. Những lỗ hổng từng chỉ được phát hiện bởi chuyên gia an ninh mạng giờ đây có thể bị AI phát hiện chỉ trong vài giây.
Bên cạnh đó, các chiến dịch lừa đảo qua email (phishing) cũng được nâng cấp với giọng nói deepfake, email cá nhân hóa ở mức cao nhờ khai thác dữ liệu từ mạng xã hội và nguồn mở. AI giúp tin tặc mạo danh lãnh đạo doanh nghiệp để đánh lừa nhân viên, qua đó dễ dàng tiếp cận hệ thống nội bộ.
Ransomware-as-a-Service: Mọi kẻ xấu đều có thể tấn công
Sự phát triển của mô hình Ransomware-as-a-Service (RaaS) – dịch vụ cho thuê ransomware – đã khiến ranh giới giữa hacker chuyên nghiệp và tội phạm mạng nghiệp dư trở nên mờ nhạt. Chỉ cần vài trăm USD, bất kỳ ai cũng có thể mua gói tấn công trọn gói với giao diện thân thiện, hỗ trợ hướng dẫn tấn công mục tiêu. Đây chính là nguyên nhân khiến số vụ tấn công tăng vọt, gây thiệt hại toàn cầu lên tới hơn 800 triệu USD trong năm 2024.
Từ an ninh mạng đến thao túng tài chính
Ransomware hiện không chỉ đơn thuần là mối đe dọa về an ninh thông tin, mà còn là công cụ thao túng tài chính. Một số nhóm tin tặc đã nhắm đến các công ty niêm yết, tung thông tin về vụ tấn công nhằm kéo giá cổ phiếu giảm mạnh. Từ đó, họ có thể thu lợi thông qua hoạt động bán khống hoặc thậm chí cấu kết với nhà đầu tư để chia lợi nhuận.
Chiến lược tấn công không còn ngẫu nhiên mà được lên kế hoạch theo thời điểm thị trường, biến tấn công mạng thành một dạng “chiến tranh tài chính” hiện đại.
Lỗ hổng từ đám mây và chuỗi cung ứng
Khi doanh nghiệp chuyển sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây và phần mềm bên thứ ba, tin tặc cũng điều chỉnh mục tiêu. Tấn công vào nhà cung cấp phần mềm uy tín (supply chain attacks) giờ đây trở thành phương thức hiệu quả để xâm nhập hàng loạt doanh nghiệp cùng lúc. Nhiều phần mềm độc hại tích hợp AI có khả năng “nằm vùng” hàng tháng trời, chỉ kích hoạt khi phát hiện mục tiêu có giá trị cao.
Sẵn sàng cho cuộc chiến dài hơi
Trước làn sóng ransomware 2.0, giới chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị doanh nghiệp cần áp dụng mô hình bảo mật không tin cậy (zero trust) và tăng cường hệ thống phát hiện bất thường bằng AI. Việc đào tạo nhân sự, thường xuyên sao lưu dữ liệu, và giám sát liên tục sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại khi bị tấn công. Ngoài ra, các hệ thống phòng thủ AI hiện đại có khả năng dự đoán xu hướng tấn công dựa trên hành vi và ngăn chặn sớm ngay từ lớp ngoại vi.
Chính phủ các nước cũng đã vào cuộc mạnh mẽ hơn với quy định bắt buộc báo cáo sự cố tống tiền và thậm chí xem xét cấm trả tiền chuộc. Tại một số quốc gia, việc trả tiền cho tin tặc có thể khiến doanh nghiệp vi phạm pháp luật, tạo ra thách thức không nhỏ trong việc cân nhắc phương án xử lý sự cố. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi khi có thể đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản nếu không được cứu dữ liệu kịp thời.
Cuộc chiến giữa tội phạm mạng và hệ thống phòng thủ sẽ còn tiếp diễn lâu dài, với AI đóng vai trò chủ chốt ở cả hai phía. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần nắm bắt công nghệ, chuẩn hóa quy trình bảo mật và nâng cao nhận thức nội bộ để chủ động ứng phó.
Trong thời đại mà một dòng mã độc có thể hạ gục cả chuỗi cung ứng toàn cầu, sự chuẩn bị không còn là lựa chọn – đó là điều bắt buộc. Và trong kỷ nguyên của Ransomware 2.0, trí tuệ nhân tạo vừa là thách thức, vừa là “vũ khí” để chúng ta phòng vệ hiệu quả hơn.
Duy Trinh (theo Analytics Insight)