Minh bạch trong quản lý thực phẩm biến đổi gen

author 15:31 04/01/2018

(VietQ.vn) - Hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều khi đánh giá về thực phẩm biến đổi gen (GMO).

Những người ủng hộ thì cho rằng, GMO là bước tiến của ngành nông nghiệp, còn phía phản đối thì luôn tìm cách chứng minh rằng loại thực phẩm này vốn tồn tại những nguy cơ lâu dài gây ra những tác động không mong muốn đối với sức khỏe con người.

Nhiều nhà khoa học thì khẳng định rằng biến đổi gen là công nghệ quan trọng nhất trong nông nghiệp để giải quyết thách thức nuôi sống số dân toàn cầu đang tăng lên. Trong khi đó, phía phản đối đang đưa ra quan ngại về những tác động không mong muốn đến sức khỏe con người có thể xảy ra trong tương lai khi sử dụng thực phẩm biến đổi gen cũng như là cho rằng việc canh tác cây trồng này có thể ảnh hưởng đến các giống cây bản địa.

Do đó, minh bạch thông tin về GMO đang được người tiêu dùng cả thế giới yêu cầu.

Minh bạch thông tin về biến đổi gen được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ảnh: Nongmoproject 

Thế giới nói về GMO

Tại Châu Á, Nhật Bản chính là một trong những nước tỏ ra kiên quyết với việc chống lại thực phẩm biến đổi gen. Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm trồng các loại cây trồng biến đổi gen trên toàn quốc. Ngoài ra, chính quyền nước này còn bắt buộc dán nhãn phù hợp với những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu biến đổi gen như đậu nành, ngô, khoai tây.

Từ năm 1996, người dân Nhật Bản từ người tiêu dùng đến nông dân đều nhất quyết ủng hộ chương trình có tên “Nói không với sinh vật biến đổi gen”.

Ở Châu Âu, khi diện tích cây trồng biến đổi gen được mở rộng thì là sóng phản đối GMO cũng nhanh chóng lan rộng. Cuối năm 2015, 15/28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí loại bỏ GMO ra khỏi toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ. Người Anh gọi thức ăn GMO lấy tên của một quái vật nổi tiếng được hình thành từ phương pháp biến đổi gen. Còn tại Đức vào năm 2015, 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình tại thủ đô Beclin để phản đối chính sách sử dụng công nghệ biến đổi gen trong nông nghiệp của Chính phủ.

Tại Mỹ, quốc gia có diện tích và sản lượng GMO lớn nhất thế giới với 69 triệu ha cũng diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối loại thực phẩm này.

Mỹ là một trong những quốc gia có yêu cầu cao về việc dán nhãn thực phẩm biến đổi gen. Cụ thể từ ngày 1/7/2016 tất cả các thực phẩm GMO bày bán tại bang Vermont của Mỹ đều phải dán nhãn. Theo quy định của Mỹ, luật bắt dán nhãn sẽ được chia làm 2 loại, thứ nhất là thông báo cho người tiêu dùng danh sách thành phần của thực phẩm có in trên bao bì, thứ hai là thông báo này được đặt ở nơi khác trên bao bì nhưng phải ở trong một khu vực dễ thấy.

Trong khi đó, tại một số nước cũng đã quy định việc dán nhãn dựa trên tỷ lệ GMO trên một sản phẩm thực phẩm. Cụ thể ở những nơi như Liên minh Châu Âu, Ả rập xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc… tỷ lệ GMO ở ngưỡng 0,9%, các nước khác cho phép đưa GMO vào mức độ cao hơn như Hàn Quốc là 3%, Nhật Bản 5%.

Braxin hiện là nước sản xuất giống cây trồng GMO lớn thứ 2 trên thế giới cũng yêu cầu dán nhãn cho cả 2 loại thực phẩm làm thức ăn cho người hoặc động vật nếu có chứa hoặc được sản xuất từ GMO. Thông báo này ở dạng màu đen được tô lên trong một tam giác màu vàng.

Tại Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ năm 2015 đã có quy định về dán nhãn biến đổi gen (Ảnh minh họa) 

Quy định dán nhãn “Biến đổi gen” tại Việt Nam

Theo Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN giữa Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN ban hành vào cuối năm 2015 thì từ ngày 8/1/2016 thực phẩm GMO đóng gói sẵn thì bắt buộc phải dán nhãn bằng tiếng Việt có gắn chữ “Biến đổi gen”.

Bên cạnh đó, với sản phẩm đóng gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu GMO lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, ghi nhãn chỉ áp dụng cho các sản phẩm đóng gói sẵn còn thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhưng không bao gói không phải tuân thủ.

Việc này, theo nhận định của người tiêu dùng và một số chuyên gia đã có những kẽ hở cho việc minh bạch thông tin ở những sản phẩm có thành phần biến đổi gen. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công thương, 40% tổng số hàng hóa trên thị trường là hàng đóng gói sẵn. Trong khi đó, hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng, đóng gói mà không có sự chứng kiến của bên mua nên việc tự công bố có thành phần biến đổi gen hay không tùy thuộc và sự “thật thà” của doanh nghiệp.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang