Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm: Ai sẽ bị xử lí ?

authorViết Cường 06:17 26/04/2015

(VietQ.vn) - Ô nhiễm xỉ than tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là do không thực hiện đúng thiết kế kĩ thuật về khâu xử lý môi trường, có sự sai phạm và thay đổi so với thiết kế ban đầu…

Chiều 23/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo đến các cơ quan báo chí, đồng thời gửi lời xin lỗi đến chính quyền, nhân dân địa phương tỉnh Bình Thuận do bị ảnh hưởng bởi tình trạng phát tán tro, bụi, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

ô nhiễm xỉ than tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân

Bãi tập kết xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. 

Theo đó, EVN thừa nhận, trong thời gian qua, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào vận hành đã xảy ra hiện tượng phát tán tro bụi khi vận chuyển tro xỉ và tại bãi thải xỉ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong khu vực. Ngay sau khi sự việc xảy ra, EVN đã trực tiếp chỉ đạo xử lý, triển khai ngay các giải pháp cấp bách và vạch ra những giải pháp lâu dài để đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cũng như các nhà máy nhiệt điện khác của tập đoàn tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, không để bụi than, xỉ ảnh hưởng đến khu vực dân cư.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 25/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, vụ việc liên quan đến môi trường trong việc xây dựng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Nguyên nhân xuất phát có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như BQL dự án nhà máy.

“Nguyên nhân lớn nhất là do không thực hiện đúng thiết kế kĩ thuật về khâu xử lý môi trường, có sự sai phạm và thay đổi so với thiết kế ban đầu, do đó dẫn đến việc vận chuyển xỉ than gây ô nhiễm trên địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Tuấn Anh khẳng định.

thứ trưởng Trần Tuấn Anh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Nhật Minh (Vnexpress)

Vị thứ trưởng cho biết thêm, ngay sau khi sự việc xảy ra Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có chỉ đạo ngay lập tức cho EVN để xử lý vấn đề. Trước mắt phải khắc phục ngay bằng các biện pháp, cụ: Thứ nhất là phải quây, che khu chứa xỉ để tránh không có phát tán ảnh hưởng ra môi trường; thứ hai là tưới nước đảm bảo không phát tán bụi của xỉ than; thứ ba là dừng lại không cho vận chuyển và đổ xỉ than ra bãi đó nữa và tập kết ở các bãi bên trong nhà máy. Đồng thời, nhà máy đã thực hiện và đến 30/5 sẽ hoàn thành xây dựng đường vận chuyển riêng trong nhà máy, không sử dụng đường dân sinh và những đường trong hệ thống bên ngoài. Trước mắt đã cho gia cố lại hệ thống đường, rải đá dọc đường đảm bảo không có bụi và đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bên cạnh đó, bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo EVN kiểm tra lại quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nhà máy, đặc biệt liên quan đến thiết kế phần xử lý môi trường, xem xét đánh giá và làm rõ trách nhiệm, có biện pháp kỉ luật với các cá nhân tương xứng hành vi vi phạm. Đồng thời cũng có biện pháp đánh giá lại, tổ chức thực hiện theo đúng thiết kế ban đầu, đảm bảo về môi trường cho nhà máy. Bên cạnh đó cần rút kinh nghiệm chung của các dự án khác thuộc phạm vi quản lý của EVN cũng như của Bộ Công Thương cũng như tất cả các dự án nói chung.

Phóng xạ bị thất lạc ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường

Liên quan đến phóng xạ bị thất lạc tại nhà máy thép Pomina mà phóng viên trước đó có đặt câu hỏi, ông Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương không có chức năng quản lý trực tiếp trong phát phóng xạ. Tuy nhiên, từ góc độ vụ việc xảy ra, ông Trần Tuấn Anh cho rằng trên thực tế trách nhiệm đầu tiên là của nhà máy, đơn vị có liên quan đến chất phóng xạ, đã không thực hiện nghiêm những quy định theo pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định chuyên ngành trong lĩnh vực đó.

Cụ thể theo ông Trần Tuấn Anh, nếu nói về những quy định pháp lý, đều đã có văn bản pháp lý quy định việc đăng ký cũng như kiểm tra, giám sát các thiết bị phóng xạ trong các khu công nghiệp cũng như các cơ sở về năng lượng và cơ sở của ngành công nghiệp thép.

“Tuy nhiên, có sự buông lỏng của các đơn vị quản lý cũng như của các cơ quan chức năng ở địa phương dù đã có sự phân cấp quản lý chi tiết và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta đã bị động trong thời gian vừa qua dẫn đến nguồn phóng xạ của thiết bị thất lạc, gây nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

“Về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành xem xét trách nhiệm và xem xét điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung và đảm bảo hơn nữa quản lý của Nhà nước, đặc biệt với các loại trang thiết bị đặc thù này”, thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang