Những căn bệnh nguy hiểm thường gặp do ruồi gây ra

author 14:43 22/04/2015

(VietQ.vn) – Mùa hè với đặc điểm thời tiết nóng ẩm chính là mùa lý tưởng cho ruồi sinh sôi nảy nở, cùng với đó là những nguy cơ bệnh tật từ ruồi như tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn, vv.

Sự kiện: Bệnh theo mùa

Gần đây cuộc sống của nhiều hộ dân ở ấp Bến Kinh (xã Đôn Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh) và ấp 6 (xã Bàu Đồn, Gò Dầu, Tây Ninh) đang bị đảo lộn vì nạn “ruồi như trấu”. Được biết, cách đây khoảng hai tháng, trang trại rộng hơn 50 ha của ông Võ Quang Huy (ấp Bến Kinh) chuyển từ trồng mì sang trồng chuối. Sau đó, các xe tải chở phân bò đến đổ chất đống trong trang trại. Từ đó ruồi sinh sôi ồ ạt, tấn công các nhà dân lân cận do ô nhiễm môi trường.

Nạn ruồi đang làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người

Ô nhiễm môi trường phát sinh ra nạn ruồi đang làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người

Nhiều hộ dân cho biết họ thường xuyên bị tiêu chảy, có gia đình cả nhà bị bệnh này. Thức ăn để ra ngoài là bị ruồi bu đen, đến bữa cơm phải vừa ăn vừa quạt liên tục. Ban ngày hay ban đêm nằm ngủ cũng phải mắc màn vì nếu không sẽ bị ruồi bu nhột nhạt không nghỉ ngơi được. Bên cạnh đó, mùi hôi của phân bốc lên từ trang trại rất khó chịu.

Người dân phản ánh phía trang trại gần đây có phát thuốc diệt ruồi cho người dân để phun xịt nhưng không có kết quả. Cách đây vài ngày, trang trại phát cho người dân loại thuốc trộn vào thức ăn để diệt ruồi. “Thuốc này không thấy bớt ruồi nhưng gà ăn phải chết ngắc hết, con chó nhà tôi bự vậy mà cũng chết, dân ở đây rất bức xúc” - một người dân cho biết, theo báo VOV Giao thông.

Trước đó ngày 9/12/2014, Bệnh viện Trung Ương Huế đã tiếp nhận ca bệnh nhân bị ấu trùng ruồi làm tổ trong tai. Theo đó, ngày 8.12, bệnh nhân Trần Văn S. (trú xã Phong Bình, huyện Phong Điền) vào viện trong tình trạng tai bên trái đau nhức, chảy dịch màu nâu, có mùi hôi, ống tai phù nề. Khi nội soi thành trước ống tai phát hiện có sinh vật đang sinh sống.

Ngay trong tối 8.12, kíp mổ gồm bác sĩ Hồ Mạnh Hùng, bác sĩ chuyên khoa II Đặng Như Quang (khoa Gây mê B) và bác sĩ nội trú Ngô Đức Lưu đã thực hiện mổ thành sau ống tai, lấy hết ấu trùng còn sống ra khỏi tai bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật gắp bỏ ấu trùng ruồi, bệnh nhân được điều trị kháng sinh để ngăn chặn trứng ruồi nở và tiếp tục phát triển.

Theo người nhà bệnh nhân, anh S. làm thợ mộc ở Lào, cách đây 7 ngày, do tai nạn giao thông, S. bị thương nhẹ ở vòng tai ngoài bên trái, đã điều trị sơ cứu tại một cơ sở y tế. Sau đó vài ngày, tai bệnh nhân vẫn đau nhức và luôn chảy dịch. Tiếp tục vào viện điều trị, bác sĩ phát hiện thấy trong lỗ tai bệnh nhân có ấu trùng ruồi và lấy ra được hơn 80 con. Tuy nhiên, khi về nhà, tai bệnh nhân vẫn đau nên chuyển đến điều trị tại BVTƯ Huế.

Bác sĩ Hồ Mạnh Hùng cho biết, đây là một trong những ca nhiễm trùng nguy hiểm, vì ấu trùng có thể tấn công vào não bộ dễ dàng. Nếu không điều trị, đàn ấu trùng có thể ăn sâu vào não và giết chết bệnh nhân, theo báo Thanh niên.

Bẫy ruồi diệt ruồi để đảm bảo vệ sinh nhà cửa, môi trường

Bẫy ruồi diệt ruồi ưa chuộng để đảm bảo vệ sinh nhà cửa, môi trường

Ruồi (ruồi trâu, ruồi giấm, ...) có đặc tính ăn tất cả các loại thức ăn như thực phẩm và chất thải của người, động vật, đặc biệt là các chất thải có mang mầm bệnh truyền nhiễm như đờm, dãi, chất nôn, phân, máu, tổ chức hoại tử... Chúng vừa ăn, vừa nôn, vừa thải ra thức ăn và trong chất nôn/phân có thể chứa nhiều mầm bệnh, đó là chưa kể những mầm bệnh bám trên cơ thể ruồi mà chúng vận chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, chúng được gọi là môi giới truyền bệnh, theo báo Sức khỏe đời sống.

Các bệnh mà ruồi đóng vai trò lây nhiễm bao gồm bệnh qua đường tiêu hóa như lỵ trực trùng, lỵ amíp , tả, thương hàn, giun đũa, giun tóc, ấu trùng sán lợn; bệnh về mắt như mắt hột, nhiễm khuẩn mắt, bệnh giun mắt Thelazia; bệnh ngoài da như viêm da cấp tính, nấm da, bệnh phong (hủi).

Trang Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang