SHB và loạt 'dấu ấn' hậu sáp nhập

author 11:19 17/12/2019

(VietQ.vn) - Việc cổ phiếu SHB trượt dài hàng chục năm dù lên sàn chứng khoán sớm, hay Cocobay Đà Nẵng thông báo “vỡ trận” mà SHB là ngân hàng cho vay vốn độc quyền... khiến cổ đông băn khoăn.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái, thành lập vào năm 1993 có trụ sở tại Cần Thơ. Đây là một trong số ít ngân hàng đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán sớm nhất vào 20/4/2009 chỉ sau STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). 

Thời điểm đầu, giá cổ phiếu SHB tăng trưởng mạnh, kéo dài gần 2 tháng, có lúc đạt đỉnh 40.500 đồng/cổ phiếu ngày 15/6/2009, tăng 166,47% so với giá đóng cửa ngày đầu tiên là 15.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu SHB “lao dốc không phanh”, liên tục giảm cho tới tận cuối năm 2011. Mức giảm từ đỉnh lên đến hơn 80%, hay nói hình tượng hơn, tài khoản của nhà đầu tư mua từ đỉnh đã bị chia 5.

Giá cổ phiếu lẹt đẹt, biến động trồi sụt, đa phần dưới giá chào sàn cách đây 10 năm. Phải đến 3/2017, cổ phiếu nhà băng này mới bật mạnh, tăng gấp 3 lần sau hơn một năm trước khi quay lại vòng quay suy giẩm.

Tính hết phiên 13/12/2019, thị giá SHB chỉ còn 6.000 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Giảm tới gần 85% so với đỉnh ngày 15/6/2019. Vốn hóa thị trường của nhà băng này cũng bốc hơi hơn 50% so với thời điểm đạt đỉnh hồi giữa tháng 3/2018, xuống mức 7.219 tỷ đồng.

Lại nói thêm về lịch sử hình thành, cách đây gần chục năm, ngày 7/8/2012, Ngân hàng Nhà nước chính thức ký quyết định hoàn tất thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB. Sau đó không lâu, tấm biển logo được gắn trên tường trụ sở của Habubank hơn chục năm đã bị thay thế bằng logo SHB.

Khi nhận sáp nhập Habubank, theo báo cáo năm 2017, quy mô các tài sản có khác của SHB là 26.352 tỷ đồng. Con số này cao hơn rất nhiều so với ACB (hơn 8.000 tỷ đồng), Techcombank (hơn 12.500 tỷ đồng) hay VPBank (hơn 15.700 tỷ đồng). Trong giai đoạn 5 năm sau sáp nhập, SHB vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tài sản từ 14-23%/năm và quy mô tài sản 286.010 tỷ đồng vào cuối năm 2017, tương đương với các ngân hàng VPBank, ACB, Techcombank.

Mặc dù vậy, hiệu quả kinh doanh của SHB trong những năm qua lại tỏ ra kém xa các ngân hàng khác có cùng quy mô tài sản. Năm 2017, ngân hàng đạt gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng 1/4 lợi nhuận của Techcombank hay VPBank và bằng 70% của ACB. Thậm chí, lợi nhuận của SHB còn thấp hơn so với HDBank, một ngân hàng có quy mô tài sản dưới 200 nghìn tỷ đồng. Việc nhận sáp nhập Habubank đã khiến SHB phải cấu trúc lại các khoản nợ, trích lập dự phòng. SHB đã phải tiếp quản các tài sản có vấn đề, chủ yếu là nợ xấu.

Năm 2018, theo các dữ liệu tài chính, đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 323.339 tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,5% đạt 214.001 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2018, SHB có gần 5.200 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,4% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng nhẹ so với con số 2,33% cuối năm 2017.

Khép lại năm 2019, theo BCTC quý III/2019 được ngân hàng này công bố cách đây chưa lâu, dư nợ cho vay khách hàng tăng 16% so với đầu năm, đồng thời nợ xấu cũng tăng 39% lên mức hơn 7,227 tỷ đồng. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) gấp 2.3 lần và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của SHB tăng lên mức 2.86% so với mức 2.4% hồi đầu năm.

Nợ xấu và xử lý nợ xấu hiện nay luôn là vấn đề nhạy cảm với các cổ đông, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh. Số dư nợ xấu (nhóm 3-5) là 82,9 tỷ, chiếm 14,7% tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2013. So với kế hoạch đề ra đầu năm sẽ kiểm soát nợ xấu ở mức 2% (49,7 tỷ đồng), thì việc thực hiện những mục tiêu đề ra của ban điều hành thực sự có hơi quá kỳ vọng. Trong suốt nhiều năm sau sáp nhập, SHB vẫn báo lãi đều, tỷ lệ cổ tức hàng năm khoảng 7% - 7,5% và chi bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu SHB dưới mệnh giá làm cho nhiều cổ đông nhỏ lẻ bức xúc.

Những "dấu ấn" không mấy đẹp đẽ của SHB dường như chưa dừng lại. Mới đây, CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) - chủ đầu tư dự án Cocobay đã hủy cam kết trả lợi nhuận khiến nhiều khách hàng mua sản phẩm condotel Cocobay khốn đốn.

Đáng chú ý, cái tên được nhắc đến khá nhiều xung quanh vụ lùm xùm của Cocobay chính là SHB. Được biết, tháng 9/2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ký hợp đồng hợp tác Tập đoàn Empire và trở thành ngân hàng độc quyền cho vay mua bất động sản dự án Cocobay - một dự án có vốn đầu tư lên tới 14.000 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này cho khách hàng vay lãi suất cố định 8%/năm trong 12 tháng hoặc 8,5%/ năm trong 18 tháng, SHB miễn phí phạt trả nợ trước hạn sau 60 tháng. Thời gian vay lên tới 15 năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 25 năm dành cho khách hàng cá nhân, mức cho vay lên đến 90% nhu cầu vốn và được ân hạn nợ gốc tới 12 tháng.

Dấu ấn SHB tại dự án Cocobay Đà Nẵng?

 

 

Chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ cho thuê bất động sản tối thiểu 12%/năm trong 8 năm đầu. SHB còn cho rằng, chỉ với vốn ban đầu từ hơn 400 triệu đồng, khách hàng đã có thể sở hữu căn hộ dự án với tỷ suất sinh lời cao, hay 90 triệu đồng sẽ được sở hữu ngay kỳ nghỉ dưỡng cùng gói hỗ trợ nhiều ưu đãi vượt trội. 

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, các khách hàng của Cocobay đã bị “ăn bánh vẽ” khi ngày 23/11 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Empire gửi thư xin lỗi khách hàng đã mua sản phẩm condotel Cocobay vì không thể thực hiện chi trả lợi nhuận như đã cam kết 12%/năm trong 8 năm đầu.

 Thảo Nguyên 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang