Tăng cường đóng góp khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế-xã hội

authorMinh Hà 08:36 31/12/2015

(VietQ.vn) - Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 đã cải thiện đáng kể vị thế của khoa học và công nghệ Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Qua quá trình 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Chiến lược) cho thấy, Chiến lược đã tác động đáng kể trong việc đổi mới về cơ bản và tương đối đồng bộ hàng lang pháp lý, cơ chế tổ chức, quản lý Khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực Khoa học và công nghệ của đất nước. 

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và công nghệ – Bộ Khoa học và công nghệ.

Thưa ông, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong hiệu quả của tổ chức, hoạt động và quản lý khoa học và công nghệ, 5 năm qua, những kết quả đạt được như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược là “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động Khoa học và công nghệ”. Cho đến này, Bộ Khoa học và công nghệ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới các tổ chức Khoa học và công nghệ công lập. Một số tổ chức Khoa học và công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới như Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), trường Đại học Việt - Đức, Việt - Pháp, Việt - Nhật đang được tích cực triển khai để nâng cao năng lực và tiềm lực Khoa học và công nghệ, làm động lực thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 là động lực cho việc gia tăng đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện đáng kể vị thế của khoa học và công nghệ Việt Nam trong khu vực và thế giới.Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ cải thiện đáng kể vị thế của khoa học và công nghệ Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Việc xác định nhiệm vụ Khoa học và công nghệ theo cơ chế đặt hàng, quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW đã được thể chế hóa trong Luật Khoa học và công nghệ 2013. Cơ chế cấp phát tài chính thực hiện nhiệm vụ Khoa học và công nghệ đang từng bước chuyển sang cơ chế quỹ. Cơ chế chi tiêu cho các nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cũng đang từng bước chuyển sang cơ chế khoán từng phần và khoán toàn phần.

Được biết, trong Chiến lược có rất nhiều vấn đề đổi mới, trong đó có nội dung thực hiện nghiên cứu ứng dụng Khoa học và công nghệ theo đặt hàng của Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tổ chức khác. Xin ông cho biết, tại sao vấn đề này cần được đặt ra trong thực tế nghiên cứu ứng dụng hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Một thực tế hiện nay đặt ra là nhiều nhiệm vụ Khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được cho là để “ngăn kéo” sau đánh giá nghiệm thu. Vì vậy, vấn đề đặt hàng của Chính phủ, các Bộ và địa phương được đặt ra là để nâng cao khả năng ứng dụng cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong phê duyệt và tiếp nhận kết quả thực hiện các nhiệm vụ Khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất, đời sống.

Vấn đề đặt hàng đã được triển khai trong thực tế từ năm 2014 cho các nhiệm vụ được thực hiện từ năm 2015 trở đi. Để đánh giá hết được hiệu quả của cơ chế này, cần có thời gian quan sát thực tế việc triển khai và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống.

Hiện nay chất lượng nghiên cứu khoa học đang là một bài toán đáng phải suy ngẫm để tìm lời giải, giải pháp để đổi mới công tác xét, chọn đề tài góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, thưa ông?

Chất lượng nghiên cứu khoa học đúng là một vấn đề được đặt ra và cần lời giải. Đổi mới công tác tuyển chọn chỉ là một trong các biện pháp để nâng cáo chất lượng nghiên cứu. Một vấn đề khác rất quan trọng đó là cán bộ nghiên cứu phải sống và đam mê nghiên cứu được bằng các hoạt động nghiên cứu. Một cán bộ vừa phải làm nghiên cứu vừa phải lo cơm, áo, gạo tiền thì khó mà có chất lượng nghiên cứu cao. Hơn nữa, cần phải có các chuẩn mực trong nghiên cứu, đặc biệt là chuẩn mực về đạo đức khoa học để nâng cao trách nhiệm và năng lực của mỗi cán bộ nghiên cứu trong việc thực hiện các nhiệm vụ Khoa học và công nghệ.

Về tổng đầu tư xã hội cho Khoa học và công nghệ, mục tiêu của Chiến lược là phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho Khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ NSNN cho Khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi NSNN hàng năm. Trên thực tế, mức đầu tư này như thế nào? Đâu là nguyên nhân khiến mức đầu tư này không đạt như kỳ vọng? 

Ông Nguyễn Quang Tuấn: Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ NSNN cao nhất bố trí cho Khoa học và công nghệ là 1,59% tổng chi ngân sách vào năm 2011. Mức đầu tư không đạt được như kỳ vọng, theo tôi, một trong các nguyên nhân lớn nhất là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đặc biệt giữa Khoa học và công nghệ với tài chính. Hơn nữa, nhận thức về đầu tư cho Khoa học và công nghệ chưa được đầy đủ. Cần phải xác định rằng đầu tư cho Khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển, và cho một sự tăng trưởng lâu dài, bền vững; cho đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Về vấn đề này, cá nhân tôi nhìn nhận và đánh giá rất cao quyết tâm của Bộ Khoa học và công nghệ nói chung và đồng chí Bộ trưởng nói riêng trong việc nâng cao tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho Khoa học và công nghệ. Tôi hy vọng tất cả xã hội chúng ta nhìn nhận đúng mức vai trò của Khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đầu tư đúng và đủ cho phát triển Khoa học và công nghệ của đất nước.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang