Thành lập hộ kinh doanh thực phẩm cần những giấy tờ gì?

author 08:30 03/09/2017

(VietQ.vn) - Để thành lập hộ kinh doanh ngành thực phẩm cần làm hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi dự định đặt địa điểm kinh doanh.

Độc giả Hoàng Liên Tú (Đại Từ, Hà Nội): Tôi muốn thành lập hộ kinh doanh ngành thực phẩm, thì tôi cần những giấy tờ gì? Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm có phải đăng kí không?

Để kinh doanh thực phẩm cần phải có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: báo Bình Dương 

Trả lời:

Về vấn đề thành lập hộ kinh doanh cá thể

Bạn cần liên hệ với UBND cấp huyện nơi dự định đặt địa điểm kinh doanh để đăng ký thành lập hộ  kinh doanh cá thể, hồ sơ cần có:

- Tờ khai (theo mẫu).

-  Bản sao CMND của chủ hộ kinh doanh;

-  Bản sao giấy tờ nhà đất và hợp đồng thuê (nếu là trường hợp thuê địa điểm).

Bạn cần chú ý khai ngành nghề trong tờ khai cho các dự định hoạt động kinh doanh của mình, vốn đăng ký, tên hộ kinh doanh, người đứng đầu hộ kinh doanh.

Thời gian giải quyết: 5 ngày làm việc.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể, bạn tiến hành bước tiếp theo để xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ cần đảm bảo điều gì?(VietQ.vn) - Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ cần bảo đảm những yêu cầu tại Điều 11 Nghị định 100/2014/NĐ-CP.

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Hồ sơ cần có:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).

- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:

a) Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;

b) Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.

- Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm:

a) Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở);

b) Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách đã được tập huấn (có xác nhận của cơ sở).

- Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế:

a) Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở);

b) Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khoẻ, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).

Hồ sơ được nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Chi cục ATVSTP- Sở Y tế.

Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không hợp lệ;

Nếu quá 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ nếu cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận sẽ huỷ hồ sơ.

Thẩm định cơ sở: Sau khi có kết quả thẩm xét hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 10 ngày làm việc Chi cục sẽ có Quyết định thành lập đoàn thẩm định và tổ chức thẩm định tại thực địa.

Đối với cơ sở đủ điều kiện sẽ được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thời gian thực hiện: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Luật sư Đào Liên

Công ty Luật Tiền Phong

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang