Thông tin mới nhất về vụ nước tăng lực Rồng đỏ có cặn tại Đồng Nai

authorDương Phương Ngọc 04:44 15/06/2016

(VietQ.vn) -Trong khi khách hàng yêu cầu đem chai nước Rồng đỏ có cặn tới kiểm nghiệm tại Quatest 3 thì phía URC lại muốn kiểm định tại phòng thí nghiệm của nhà máy.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam vào chiều 14/6, ông Lê Nguyên Liệu (khách hàng ở xã Sông Trầu, Trảng Bom, Đồng Nai) – người đã phát hiện ra chai nước tăng lực Rồng đỏ có cặn, cho biết: Ông đã đề nghị nhà sản xuất – công ty URC Việt Nam đưa chai Rồng đỏ “có hiện tượng lạ” mà ông đang nắm giữ tới kiểm nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 (Quatest 3) – Khu Thí nghiệm Biên Hòa, Đồng Nai, tuy nhiên, phía URC không đồng ý.

“Nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng của mình khi mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tôi đã gửi đơn khiếu nại lên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Đồng Nai để “nhờ cậy” sự giúp đỡ, can thiệp. Trong trường hợp này, Hội đã tư vấn, hướng dẫn tôi yêu cầu URC mang chai nước có cặn tới Quatest 3 để kiểm nghiệm, mặc dù vậy, URC không chịu. Họ muốn tự đi giám định tại công ty của họ” – ông Liệu nói.

Bóc mẽ chiêu 'cao thủ' của URC trong xử lý khủng hoảng Rồng đỏ, C2 nhiễm chì!(VietQ.vn) - Chuyên gia truyền thông bóc mẽ chiêu “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” trong việc xử lý khủng hoảng vụ Rồng đỏ, C2 nhiễm chì của URC Việt Nam.

Giải thích về lý do không đồng tình với quan điểm đưa chai nước tới kiểm nghiệm tại Quatest 3, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phụ trách chăm sóc khách hàng của công ty URC Việt Nam chia sẻ:  Về cảm quan, người dùng có thể dễ dàng nhận biết: Bên trong chai Rồng đỏ này có cặn nên về chỉ tiêu, chai nước đó chắc chắn sẽ không đạt yêu cầu về chất lượng.

“Chúng tôi cũng biết, cũng thừa nhận về vấn đề đó rồi. Nhưng bên Quatest 3 chỉ kiểm tra các chỉ tiêu về nước. Còn bên công ty URC có phòng thí nghiệm để kiểm tra lực đóng nắp là bao nhiêu, cổ chai, nắp chai, ren trong chai có bị lỗi gì không, từ đó mới đưa ra được nguyên nhân chính xác vì sao chai Rồng đỏ này bị lỗi…

Theo đó, Quatest 3 chỉ kiểm tra về chỉ tiêu nước chứ không đưa ra được các số liệu về cách đóng, rập nắp chai nhằm tìm ra nguyên nhân để khắc phục sự cố” – bà Thảo nhấn mạnh.

 Đơn khiếu nại của ông Liệu và chai Rồng đỏ có cặn. Ảnh: P.Ngọc

Vị đại diện của URC cũng lưu ý: Phòng thí nghiệm của công ty URC có thể kiểm tra thông số của cả chỉ tiêu nước bên trong và lực đóng nắp chai bên ngoài.

“Còn nếu công ty URC kiểm tra lực đóng nắp chai rồi chuyển qua Quatest 3 để kiểm tra chất lượng nước thì chai nước đó đã không có giá trị vì đã mở nắp chai, không còn nguyên đai nguyên kiện…

Để khách hàng yên tâm, chúng tôi có thể lập biên bản, mỗi bên giữ một bản, công văn phản hồi cho khách mà sau này URC đưa ra, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này” – bà Thảo bày tỏ.

Mặc dù vậy, phản hồi tới chúng tôi, khách hàng Lê Nguyên Liệu không khỏi băn khoăn: Giao “vật chứng” cho chủ của nhãn hàng Rồng đỏ liệu có đảm bảo tính khách quan vì họ tự sản xuất, tự kiểm nghiệm, ai dám khẳng định họ “không đổi trắng, thay đen” để đưa ra một kết quả “sạch” có lợi cho phía công ty URC?!

“Trong buổi hòa giải vừa qua giữa các bên, tôi không đồng ý theo hướng xử lý của URC, nên cuối cùng, họ lập biên bản về buổi thương lượng không thành, để xin ý kiến lãnh đạo rồi sẽ trả lời sau” – ông Liệu nói.

 URC thừa nhận: Chai nước có cặn không đảm bảo về chất lượng. Ảnh: P.Ngọc

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam đã đưa tin, ông Lê Nguyên Liệu khi mua 6 chai nước tăng lực Rồng Đỏ tại một đại lý gần nhà, đã phát hiện ra 1 chai trong số đó có cặn.

Sau khi kiểm tra, công ty URC đã xác nhận: Chai nước “lỗi” mà ông Liệu đang giữ trong tay (sản xuất ngày 8/3/2016, hạn sử dụng 8/12/2016) đúng là mẫu nước giải khát của công ty URC.

Hiện tại, điều mà khách hàng Lê Nguyên Liệu mong muốn nhất lúc này đó là: Công ty URC Việt Nam phải có câu trả lời sớm nhất về việc: Tại sao chai nước này có cặn và chai nước tăng lực Rồng Đỏ liệu có chứa những chất độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng hay không, để gia đình và những người thân xung quanh ông biết để phòng tránh.

Ngoài sự cố có cặn dù chưa mở nắp và còn trong hạn sử dụng này, nước tăng lực Rồng Đỏ cùng với trà xanh C2 trước đó còn “dính” vào vụ scandal nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, trưởng đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế cho biết: Có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà nhà sản xuất là Công ty URC phải thu hồi.

Tuy nhiên, theo báo cáo của URC, họ chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, chủ yếu là lô C2 sản xuất vào tháng 2, còn lô Rồng Đỏ sản xuất cuối năm 2015 gần như đã bán hết. 

Như vậy, ước tính số lượng C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã được tiêu thụ hết trên thị trường là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tổng cộng có 931.200 chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức đã đi vào cơ thể người Việt Nam?!

URC cho biết tổng giá trị sản phẩm C2, Rồng Đỏ đã bán ra là gần 3,9 tỷ đồng và số này không thể thu hồi được. 

Vụ việc này đã ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín của công ty URC Việt Nam và không ít người tiêu dùng đã lên tiếng “tẩy chay” thứ đồ uống giải khát này.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang