Thông tin mới nhất vụ máy bay Malaysia mất tích trên biển

author 07:09 10/03/2014

10g30 tại Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN, Ủy ban Quốc gia TKCN), Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN - công bố sẽ mở rộng lực lượng tìm kiếm trên cả đất liền trong ngày 11-3.

Sự kiện:

Theo trung tướng Võ Văn Tuấn, việc tìm kiếm trên biển chưa có dấu vết nên phải mở rộng tìm kiếm trên đất liền. Hoạt động tìm kiếm trên đất liền tập trung vào những khu vực thưa dân, vùng rừng núi bởi đã có nhiều trường hợp cho thấy tìm một nơi nhưng vị trí xảy ra tai nạn ở nơi khác.

Ông Tuấn cho biết cũng đã điện chỉ đạo các đơn vị giáp ranh đường biên giới tăng cương phối hợp phía Lào, Campuchia để tham gia tìm kiếm ở phía lãnh thổ các nước này.

Các quân khu 5, 7 và 9 được lệnh tổ chức tìm kiếm trên đất liền dọc hai bên đường bay từ Hòn Khoai (Cà Mau) đến TP.HCM. Lực lượng tìm kiếm trên bộ cũng mở rộng tìm kiếm theo hai bên đường bay trên khu vực đất liền Tây Nam bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ.

Ông Tuấn cho biết Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Về giả thiết tìm được máy bay trên vùng biển Việt Nam, ông Tuấn cho biết hiện Việt Nam có đội thợ lặn và đầy đủ phương tiện, năng lực, chuyên môn để trục vớt máy bay.

Nếu tìm được sẽ thông báo ngay cho Malaysia cùng tham gia trục vớt. Độ sâu tại vùng biển mà Việt Nam đang tìm kiếm khoảng 20-50m còn ở vịnh Thái Lan sâu hơn nhưng đội thợ lặn của Việt Nam có thể lặn sâu 70-80m.

Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Phạm Quý Tiêu nói: “Tình huống xấu nhất có thể đã xảy ra. Chúng tôi biết các nhà báo quan tâm, gia đình thân nhân những người mất tích cũng rất quan tâm. Trách nhiệm chính trong tìm kiếm là của chúng tôi, của Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình”, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu tuyển bố.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chỉ đạo: Cần tăng cường lực lượng và mở rộng địa bàn tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Lực lượng Không quân Việt Nam tiếp tục thực hiện tìm kiếm ở những vị trí mở rộng.

Hôm nay, Sở chỉ huy tiền phương cũng đã xác lập xong sở chỉ huy hiện trường tại đây; thiết lập xong 2 số điện thoại nóng để cung cấp thông tin về công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn kịp thời cho báo chí và các cơ quan hữu quan.

"Thông tin về các vật thể lạ ở biển Vũng Tàu, chúng tôi đã cho lực lượng xác minh. Kết quả đây không phải những mảnh vỡ máy bay", Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết.

Thứ trưởng yêu cầu 3 máy bay AN26 hôm nay tiếp tục tầm bay dưới 1.500m, còn lại 2 chiếc trực thăng bay ở tầm thấp nhất ở mức có thể để tìm kiếm.

Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các tàu thuyền ngư dân, nếu phát hiện thông báo kịp thời cho ủy ban tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Lực lượng biên phòng của tỉnh thu thập thêm thông tin từ các ngư dân  đang bắt cá xung quanh khu vực nghi máy bay bị mất tích trong rạng sáng ngày 8/3.

Tỉnh Kiên Giang cần chuẩn bị sẵn các công việc của mình nếu như tìm kiếm được người cũng như đồ vật trên máy bay.

Về Cảng hàng không sân bay, Thứ trưởng đã yêu cầu chuẩn bị khu vực riêng biệt để kịp thời ứng cứu khi cần thiết; đồng thời chuẩn bị công tác y tế, nếu cần Bộ y tế cũng sẽ cử người tham gia; tăng cường phương án cho lực lượng bảo vệ hiện trường như hậu cần, phương tiện, con người.

11g30 trưa nay, chiếc máy bay AN 26 mang số hiệu 261 của Lữ đoàn không quân 918 đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc chuyến tìm kiếm đầu tiên trong ngày của phi cơ AN 26. Có mặt trên chuyến bay, PV Viễn Sự cho biết máy bay đã tìm kiếm tại một vùng biển hoàn toàn mới so với 3 ngày đầu tiên. Vùng biển này nằm ở phía tây nam đảo Phú Quốc và bán đảo Cà Mau, cách đất liền khoảng 150km.

Theo cơ trưởng - thượng tá Võ Đức Long, vùng tìm kiếm có diện tích hình chữ thập, với chiều dài nhất 126 km, chiều ngang rộng nhất 104km, tổng diện tích tìm kiếm khoảng 11.000km.

Cũng với hai máy bay AN 26, hai máy bay Casa 212 của cảnh sát biển cũng đã xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất trong sáng nay, để thực hiện việc tìm kiếm. Dự kiến trong chiều nay, AN 26 sẽ tiếp tục xuất phát.

Hiện tại máy bay C130 của Singapore đang tìm kiếm trong khu vực quanh điểm IGARI (điểm chuyển giao máy bay Boeing 777 mất tích cho không lưu Việt Nam theo dự kiến) và có thể mở rộng vào khu vực thuộc FIR (vùng thông báo bay) Hồ Chí Minh.

Riêng hai máy bay AN26 cất cánh từ Tân Sơn Nhất trong sáng nay đang tìm kiếm tại khu vực mở rộng về phía Đông điểm IGARI. Tọa độ khu vực tìm kiếm của hai máy bay trên là từ 8,02 độ vĩ Bắc đến 105 độ kinh Đông; 8,50 độ vĩ Bắc đến 106 độ kinh Đông; 7 độ vĩ Bắc đến 106 độ kinh Đông và từ 7 độ vĩ Bắc đến 105 độ kinh Đông.

Đến 10g 11-3, Cục hàng không cho biết hải quân và Hàng hải Việt Nam trong đêm 10-3 đã huy động 5 tàu tìm kiếm khu vực mà Cơ quan Kiểm soát không lưu Hong Kong báo phát hiện một số mảnh vỡ lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 9,5418 độ vĩ Bắc - 107,25 độ kinh Đông (cách Đông Nam Vũng Tàu 60km) nhưng không phát hiện được gì.

 

Báo cáo tại cuộc họp tại cuộc họp khẩn chiều 9-3 với các bộ ngành liên quan về việc tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất liên lạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng nếu tình huống xấu nhất là máy bay bị rơi thì nhiều khả năng rơi vào vùng quản lý bay (FIR) của Việt Nam.

Nếu giả thiết đó là đúng, Việt Nam phải lập ủy ban điều tra nguyên nhân dẫn đến sự cố máy bay do bộ trưởng Bộ GTVT làm chủ tịch theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Sẵn sàng phương án cho tình huống xấu nhất

Vì vậy, để phục vụ tình huống này, ông Tiêu xin phép cho lập sở chỉ huy tiền tiêu ở Phú Quốc vì có sân bay quốc tế thuận tiện cho việc tiếp nhận các phương tiện từ các nước tới.

Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, cho biết việc lập sở chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc thuận lợi về đường hàng không nhưng lại khó khăn về việc bố trí, đón tiếp.

Bởi vì phía Malaysia thông báo có 800-900 thân nhân hành khách sẽ tới đây nếu giả thiết máy bay rơi ở vùng FIR Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ có nhiều quan chức và phóng viên tới Phú Quốc. Do đó, việc bố trí ăn ở, bảo vệ hiện trường (lưu chứa mảnh vỡ máy bay) sẽ khó khăn.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cũng giao Bộ Công an tăng cường đảm bảo an ninh hàng không tại các sân bay trong điều kiện hiện nay. Bởi vì nguyên nhân việc máy bay mất tích chưa được loại trừ khả năng do khủng bố nên phải hết sức lưu ý.

Rà soát trên vùng biển rộng 24.000km2

Về diễn biến tìm kiếm máy bay bị mất tích, trung tướng Võ Văn Tuấn - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết ngày 9-3 đã có bảy tàu của Việt Nam tìm kiếm quanh khu vực phát hiện vệt dầu loang ngày 8-3.

6g ngày 9-3, hai PV đã có mặt trên hai chiếc máy bay Antonov 26 mang số hiệu 286 và 261 của lữ đoàn không quân 918.

9g ngày 9-3, hai máy bay Antonov 26 đã lần lượt có mặt tại vùng biển cách bán đảo Cà Mau khoảng 250km về phía nam và cách vị trí máy bay Malaysia mất tín hiệu khoảng 100km về phía bắc đông bắc.

Do phía dưới có hai máy bay Malaysia đang thực hiện tìm kiếm ở độ cao 1.200m nên hai máy bay của Việt Nam nhường vị trí, bay chếch lên độ cao 2.100m.

Ở độ cao này, tổ bay đã quan sát được vùng nước màu vàng được nghi là dầu loang đã dài ra đến 80km, gấp bốn lần so với ngày hôm trước, dịch chuyển về phía tây.

Đến 16g30, khi PV trở lại vùng biển này trên chuyến bay tìm kiếm thứ hai trong ngày của máy bay 286 thì vùng nước màu vàng này đã có sự thay đổi lớn, lan theo chiều rộng thành từng mảng trên một vùng biển rộng lớn nhiều kilômet vuông.

Tại hiện trường tìm kiếm, ngoài các máy bay của Việt Nam và Malaysia, PV Tuổi Trẻ cũng ghi nhận có rất đông tàu cứu nạn sơn màu vàng cam di chuyển trên biển.

Các tàu này thường chia thành từng tốp 3-5 chiếc và “càn” trên một vùng biển rộng theo hàng ngang để tìm kiếm các manh mối của chiếc máy bay bị nạn.

Tuy nhiên, hai máy bay Mi-171 của Trung đoàn không quân 917 bay từ Cà Mau khi đến hiện trường đã hạ độ cao xuống 300m và quần đảo nhiều vòng thì cho rằng đây không phải là vết dầu loang mà là khu vực bãi cạn, có nhiều dòng chảy nhìn trên cao có màu vàng giống vệt dầu.

Thượng tá Hoàng Văn Phong cho biết trong hai ngày qua, các máy bay của lữ đoàn 918 đã bay tìm kiếm trên một vùng biển rộng khoảng 24.000 km2.

Tập trung vào nơi phát hiện vật thể lạ

Lúc 16g30 ngày 9-3, thủy phi cơ DHC-6 thuộc Quân chủng hải quân đã xuất phát ra vị trí cách đảo Thổ Chu khoảng 100km về phía đông nam.

Sau gần một giờ bay, máy bay DHC-6 đến khu vực có vật lạ trôi trên biển theo phát hiện trước đó của lực lượng cứu hộ các nước. Từ hơn 17g-18g30, thủy phi cơ thực hiện cuộc tìm kiếm trên phạm vi 20-30 km2, ở độ cao 100m so với mực nước biển.

Lúc gần 18g, máy bay phát hiện một vệt dầu loang và một vật thể lạ có kích thước khoảng 1,5x2m màu trắng, có lỗ tròn ở giữa tựa như vòng tròn cửa máy bay. Tuy nhiên do trời tối, máy bay không hạ cánh xuống nước để kiểm tra cụ thể được.

Dự kiến trong sáng nay 10-3, máy bay hải quân tiếp tục tìm kiếm và xác minh vật thể lạ, đưa thêm tàu hải quân HQ 888 (tàu nghiên cứu biển) mang theo đội thợ lặn đến khu vực này tham gia tìm kiếm.

20g30 ngày 9-3, PV đi theo tàu cứu hộ SAR-272 cho biết tàu đang trên đường đến vị trí máy bay MH370 mất liên lạc thì được lệnh đổi hướng đến vị trí phát hiện vật thể lạ cách Phú Quốc 80 hải lý, dự kiến trong đêm sẽ đến vị trí này.

Tàu cứu hộ SAR-413 là tàu chỉ huy ở khu vực máy bay MH370 mất liên lạc cũng đang đến vị trí có vật thể lạ. Theo trung tướng Võ Văn Tuấn, vùng biển máy bay mất tích sâu 20-25m nên thợ lặn sẽ triển khai được.

Sáng 10-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và đại diện Bộ Quốc phòng vào Phú Quốc để chuẩn bị việc lập sở chỉ huy tiền phương.

Các nhà chức trách Malaysia vừa xác nhận rằng vật thể lạ nổi cách đảo Thổ Chu của Việt Nam khoảng 100km không phải của chiếc Boeing 777-200 bị mất tích hôm 8/3, báo New Straits Time vừa đưa tin.
Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng (DCA) của Malaysia, ông Datuk Abdul Rahman Azharuddin cho biết nhóm tìm kiếm cứu nạn (SAR) phía Việt Nam đã khẳng định vật thể lạ nghi ngờ là mảnh vỡ máy bay thực ra không phải của chuyến bay MH 370.
Ông cho biết thêm, hiện các cuộc điều tra vẫn đang tập trung vào chi tiết hành khách giả mạo sử dụng hộ chiếu ăn cắp trên chuyến MH370.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Malaysia, tướng Tan Sri Zulkifeli Mohd Zain cho biết các nỗ lực tìm kiếm tăng cường hôm 9/3 đã mở rộng phạm vi tìm kiếm từ bán kính 20 hải lý tới 50 hải lý tính từ nơi chiếc máy bay mất tín hiệu (cách mũi Cà Mau của Việt Nam khoảng 150 hải lý).
Ông Zulkifeli cho biết, 34 máy bay, 40 tàu của các nước láng giềng và các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Úc đã được huy động tham gia SAR.
Các hoạt động cứu nạn sẽ diễn ra suốt đêm nay, 9/3. Tuy nhiên, máy bay chỉ tiếp tục tham gia từ 7h sáng 10/3. Hai máy bay khác của Úc cũng sẽ được huy động thêm vào 10/3. 

 

 

 

 

Theo Tuoitre-Tienphong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang