Nguyên nhân máy bay Malaysia mất tích: FBI nói gì?

author 11:16 11/03/2014

Giới điều tra Malaysia vẫn không mặn mà với giả thuyết chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hôm thứ 7 vừa qua là mục tiêu của một vụ tấn công khủng bố.

Sự kiện:

Giới chức Malaysia cho rằng vẫn chưa có đủ bằng chứng cho thấy máy bay mất tích vì nguyên nhân khủng bố, trong khi nghiêng về giả thuyết máy bay gặp nạn vì sự cố kỹ thuật và lỗi do phi công, Reuters sáng nay 11-3 dẫn các nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết.

Reuters cũng dẫn lời một nguồn tin an ninh từ châu Âu nói “vẫn chưa có bằng chứng cho thấy đây là một vụ tấn công khủng bố”. Nguồn tin này cũng cho biết hiện vẫn chưa thể giải thích chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay MH370 và chiếc máy bay xấu số giờ đang ở đâu.

Bất chấp cuộc tìm kiếm quy mô lớn với hàng chục máy bay và tàu cứu hộ được huy động, số phận của chuyến bay MH370 vẫn là một ẩn số lớn khi chiếc dịch tìm kiếm bước sang ngày thứ tư.

Trong một diễn biến khác, hôm qua 10-3, Hải quân Hoa Kỳ hông báo điều tàu chiến thứ hai, USS Kidd, đến biển Đông để hỗ trợ tàu khu trục USS Pinckney tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia. 

Trong khi đó, cùng ngày Trung Quốc cũng điều động 10 vệ tinh độ phân giải cao đến nơi máy bay được cho là mất tích để hỗ trợ tìm kiếm.

Cùng ngày, hãng Boeing (Mỹ) cho biết đã tham gia vào nhóm điều tra của Mỹ để tìm nguyên nhân mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines, theo AFP.

Boeing cố vấn kỹ thuật cho nhóm điều tra của Ủy ban Quốc gia an toàn giao thông Mỹ, hiện đã có mặt tại Đông Nam Á để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm.

Dù có đến 34 máy bay, 40 tàu cứu hộ các loại, chưa kể phương tiện của ngư dân, tham gia tìm kiếm nhưng đến giờ này, vẫn chưa có tín hiệu nào liên quan đến chiếc máy bay MH370 của Malaysia mất tích.

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã nhận được dấu vân tay và ảnh của 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả do các nhà chức trách Malaysia gửi đến.

FBI đang điều tra dấu vân tay và ảnh hai hành khách “không phải là người châu Á”, so sánh với hồ sơ của những kẻ khủng bố và tội phạm của những tổ chức khủng bố trên toàn cầu.

ABC News dẫn lời một quan chức thực thi pháp luật FBI cho biết đang điều tra máy bay mất tích ở mọi khía cạnh và mọi góc độ, không loại trừ “những tội phạm theo chủ nghĩa khủng bố”.

Trước đó, ABC News dẫn lời Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein nói chúng tôi không có gì phải che giấu chuyện điều tra và bác bỏ thông tin Trung Quốc cho rằng không hài lòng quá trình điều tra của chúng tôi.

Còn rất ít hy vọng

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nói: “Cho đến giờ tất cả mọi đánh giá, tiên liệu chúng ta còn rất ít hi vọng những gì tốt đẹp đối với chuyến bay này. Vì vậy quyết tâm tìm kiếm càng nhanh càng tốt, để tìm được, giải đáp được câu hỏi của chúng ta, của các nhà báo, đặc biệt là thân nhân của những người trên chuyến bay.

Trước hết với vùng FIR Việt Nam, trách nhiệm của ta là phải làm hết mình hỗ trợ bạn tìm kiếm, đối với các vùng FIR lân cận thì phối hợp các nước xung quanh tổ chức tìm kiếm. Chúng ta không mong muốn, có thể tình huống xấu đã xảy ra nên tôi thay mặt Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia thống nhất với UBND tỉnh Kiên Giang một số việc.

Đó là yêu cầu tỉnh tiếp tục kêu gọi tàu thuyền của ngư dân, thông báo và yêu cầu hỗ trợ trong quá trình đánh cá nếu phát hiện gì thì báo kịp thời cho Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là sở chỉ huy hiện trường. Thứ hai, nếu tìm ra được máy bay thì chắc chắn có công việc tiếp theo, vì vậy đề nghị tỉnh sẵn sàng trách nhiệm của mình, khi tiến hành trục vớt, tìm thấy nạn nhân thì tiến hành ngay”.

Ông Tiêu cũng cho biết đã giao Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chuẩn bị phương tiện, khu vực để đưa nạn nhân về đây và tỉnh cần chuẩn bị vùng có thể tập kết. Ngoài ra, ông Tiêu cũng đề nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức sẵn sàng công tác y tế, bảo vệ hiện trường và phục vụ hậu cần khi phát hiện được máy bay bị nạn.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết 7g44 máy bay AN 26 số hiệu 261 và 8g máy bay AN 26 số hiệu 267 cất cánh từ Tân Sơn Nhất tìm kiếm trong vùng 200-300km quanh đảo Thổ Chu.

Đến 9g22 và 9g38 hai máy bay tuần thám biển CASA số hiệu 8981 và 8982 lần lượt cất cánh. CASA 8981 tìm kiếm ở phía đông đảo Thổ Chu. Còn CASA 8982 tìm kiếm ở phía bên phải đường bay R 208 mà máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines mất tích.

Các tàu sẽ chia thành hai khu vực gồm: khu vực 1 có các tàu gồm HQ 954, HQ 637, SAR 413 tìm kiếm từ 8 độ vĩ độ Bắc đến 103,50 độ kinh Đông; khu vực 2 gồm tàu SAR 273, tàu kiểm ngư 774, tàu cảnh sát biển CSB 2002 và 2003 tìm kiếm từ 7 độ vĩ Bắc đến 103,50 độ kinh Đông.

Riêng tàu HQ 888 đã tìm kiếm khu vực biển cách đông nam mũi Ô Cấp 32 hải lý ngay trên vùng biển mà cơ quan không lưu Hong Kong thông báo có máy bay phát hiện các mảnh vỡ chiều 10-3 nhưng không phát hiện được vật thể khả nghi. Tàu HQ 888 ngày hôm nay tiếp tục tìm kiếm về phía đông nam Cà Mau trong khu vực 8 độ vĩ Bắc đến 105 độ kinh Đông. Tàu sẽ sử dụng các thiết bị chuyên dụng để dò quét đáy biển.

Về phương án tìm kiếm trong ngày 11-3, ông Tiêu cho biết các lực lượng gồm hải quân, hàng hải, không quân tiếp tục thực hiện các khu vực tìm kiếm ở vị trí mở rộng về phía đông và đông bắc. Ông Tiêu cũng thông tin: “Hôm qua có thông tin các bức ảnh chụp nghi là mảnh vỡ ở biển Vũng Tàu, tàu hải quân có ra xác định nhưng không có thông tin gì tốt đẹp hơn”.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân - cho biết hôm nay sẽ có 10 máy bay, trực thăng tiếp tục tìm kiếm máy bay bị nạn của Malaysia trên cơ sở đường bay của máy bay này. Theo đó, những máy bay A26 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bay ở độ cao trung bình 3.000-5.000m, trực thăng Mi bay thấp hơn.

 


Theo TTO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang