Thủ tướng ban hành danh mục 30 công nghệ cấm chuyển giao vào Việt Nam

author 07:12 16/01/2015

(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. 

Nghị định mới này sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 Nghị định số 133/2008/NĐ-CP về Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao. 

Cấm chuyển giao công nghệ nhân bản vô tính phôi người.

Cấm chuyển giao công nghệ nhân bản vô tính phôi người. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 133/2008/NĐ-CP có 11 công nghệ bị hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam. Nhưng theo quy định mới thì có tới 23 công nghệ bị hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam. 

Trong đó có công nghệ sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng Amiăng trắng; công nghệ sản xuất bột ôxit titan có sử dụng axit sulfuric; công nghệ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi, trồng và chế biến thủy sản...

Nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cấm chuyển giao. Theo đó có 30 công nghệ bị cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng; công nghệ sản xuất xi măng lò đứng; công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT...

Nghị định mới cũng nêu rõ, việc nhập khẩu, chuyển giao và sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng trong nghị định nói trên, Chính phủ cũng ban hành danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục hạn chế chuyển giao. 

Được biết, Nghị định mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2015. 

DANH MỤC CÔNG NGHỆ CẤM CHUYỂN GIAO
(Ban hành kèm theo Nghị định số 120/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ)

CÔNG NGHỆ CHUYỂN GIAO TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM VÀ TRONG LÃNH THỔ VIỆT NAM

1. Công nghệ điều chế chất ma túy.

2. Công nghệ nhân bản vô tính phôi người.

3. Công nghệ in, sắp chữ bằng bản chì.

4. Công nghệ sản xuất pin bằng phương pháp hồ điện dịch.

5. Công nghệ điện phân dùng điện cực thủy ngân.

6. Công nghệ sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng quy mô nhỏ.

7. Công nghệ sản xuất sơn sử dụng thủy ngân.

8. Công nghệ sản xuất động cơ 2 kỳ dùng cho xe cơ giới.

9. Công nghệ sản xuất xe ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2.

10. Công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa nổ bằng phương pháp thủ công.

11. Công nghệ sản xuất các loại vũ khí, khí tài, vật liệu nổ các loại trừ vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị kỹ thuật quốc phòng, an ninh, công cụ hỗ trợ, phương tiện vô hiệu hóa các thiết bị phát hiện việc truy cập mạng máy tính điện tử, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu an ninh, quốc phòng.

12. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị kiểm tra, phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, ma túy và đồ vật nguy hiểm khác, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu an ninh.

13. Công nghệ phá sóng, chèn sóng vô tuyến điện, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh.

14. Công nghệ chặn thu, giải mã các hệ thống thông tin, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh.

15. Công nghệ vô hiệu hóa các thiết bị ghi âm, ghi hình, đo, đếm, tính tải trọng, tốc độ phương tiện giao thông, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu an ninh.

16. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng.

17. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị tính thời gian sử dụng điện thoại.

18. Công nghệ sản xuất tivi, máy tính cá nhân sử dụng tia điện tử để tạo hình ảnh theo công nghệ analog.

19. Công nghệ sản xuất xi măng lò đứng.

20. Công nghệ sản xuất xi măng lò quay bằng phương pháp ướt.

21. Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng Amiăng Amfibole (Amiăng nâu và xanh).

22. Công nghệ sản xuất xi măng lò quay có công suất lò nung nhỏ hơn 2.500 tấn clanhke/ngày.

23. Công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng, lò vòng cải tiến (kiểu lò Hoffman) sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí).

24. Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp và y tế bằng công nghệ đốt một cấp hoặc công nghệ đốt chất thải không có hệ thống xử lý khí thải.

25. Công nghệ sản xuất keo Urea-Formaldehyde, keo Phenol-Formaldehyde, sản phẩm có hàm lượng Formaldehyde tự do vượt quá giới hạn (Formaldehyde class > E2).

26. Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT.

27. Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô).

28. Công nghệ sản xuất axit sulfuric bằng phương pháp tiếp xúc đơn, hấp thụ đơn.

29. Công nghệ sử dụng chất CFC và HCFC.

30. Công nghệ sử dụng các loài sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang