Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 14/12

author 06:58 14/12/2014

(VietQ.vn) - Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đề cập tới sự kiện Giới khoa học thúc đẩy quảng bá Tiếng Việt, Ưu tiên nghiên cứu khoa học và khuyến nông, Giả thuyết mới về nguồn gốc nước trên Trái Đất, Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh,…

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 14/12 trong nước

Hàng trăm nhà khoa học thúc đẩy việc quảng bá Tiếng Việt

Theo những tin tức khoa học công nghệ mới nhất trên báo chí, hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy Tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học diễn ra ngày 12 và 13/12 với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà khoa học của 23 đại học đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ: Lào, Thái Lan, Singapore, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và Việt Nam.

Hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng tâm của tiếng Việt và Việt Nam học như: Thực trạng, phương thức tổ chức, chương trình giảng dạy Tiếng Việt và Việt Nam học; Phương pháp giảng dạy và phương thức đánh giá năng lực tiếng Việt như một ngoại ngữ; Những vấn đề về Việt ngữ học; Nghiên cứu Việt Nam học từ góc độ liên ngành. Đây là những câu hỏi, bài toán và lời giải bước đầu về quá trình định vị ngành Việt Nam học từ nhiều cơ sở tham chiếu về lý luận và thực tiễn.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất: Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị

Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị. Ảnh Vietnamnet

Hội thảo không chỉ là nơi gặp gỡ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có cùng mối quan tâm học thuật đối với tiếng Việt và Việt Nam học mà còn là động lực cho việc kết nối các nhà Việt Nam học, thúc đẩy việc quảng bá Tiếng Việt như một mấu chốt của văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn diện với thế giới.

Được biết, hội thảo này nằm trong sự kỳ vọng về một sự kết nối mới trong một thế giới “phẳng”, nhằm giúp việc giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học ngày càng hiệu quả hơn.

Ưu tiên nghiên cứu khoa học và khuyến nông

Phát biểu tại hội thảo “Khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong thời gian tới công tác khuyến nông đổi mới cả về nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu ngành và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất: Ưu tiên nghiên cứu khoa học và khuyến nông

Nhà nước chú trọng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trước nhu cầu phát triển của ngành, cần đẩy mạnh hơn phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ, phát huy cao hơn vai trò của hệ thống các viện, trường, hệ thống khuyến nông.

Trao giải thưởng KOVA lần thứ 12 cho các tập thể và cá nhân

Sáng 13/12, tại Hà Nội, Tập đoàn sơn KOVA, Ủy ban giải thưởng KOVA đã tổ chức lễ trao giải thưởng và học bổng KOVA lần thứ 12 cho 4 tập thể, 8 cá nhân là những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội, có đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng, đạt giá trị kinh tế cao.

Các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng tiêu biểu gồm có: thiết bị rửa tay tự động bằng nước vô trùng nóng lạnh, dao mổ điện cao tần, thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư, phát minh máy cày, máy bừa mini giúp bà con cày bừa trên các ruộng bậc thang của người nông dân vùng cao,…

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất: Trao giải thưởng KOVA lần thứ 12 cho các tập thể và cá nhân

Ảnh chụp trong lễ trao giải thưởng KOVA lần thứ 12 vừa qua. Ảnh TTXVN

Ngoài ra, giải thưởng và học bổng KOVA cũng được trao cho 104 sinh viên nghèo có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, trong đó có 16 sinh viên được trao giải thưởng KOVA.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 14/12 thế giới

Đài Loan “khoe” liền lúc 2 loại UAV trinh sát mới

Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn của Đài Loan (CSIST) đã công bố hai loại máy bay trinh sát không người lái (UAV) mới là Cardinal và Albatross trong một cuộc trình diễn trước báo giới tại thành phố Đài Trung. 

Cardinal là loại UAV nhỏ có trọng lượng chỉ 5 kg, chạy bằng pin, có thể phóng bằng tay và hoạt động trong vòng 1 giờ đồng hồ với bán kính hoạt động 8 km. UAV Cardinal không cần đường băng để cất cánh, mà thay vào đó, chúng có thể được phóng bằng tay. Khi hạ cánh, một chiếc dù được bung ra và UAV sẽ từ từ hạ xuống mặt đất, đơn vị sản xuất cho biết.

Ông Mã Vạn Quân - giám đốc CSIST cho rằng, UAV này có thể giúp Đài Loan mở rộng phạm vi và khả năng thu thập thông tin tình báo từ trên không, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ trên biển của hòn đảo này.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất: Đài Loan “khoe” liền lúc 2 loại UAV trinh sát mới

Máy bay không người lái Cardinal được Đài Loan "khoe" hôm 9/12. Ảnh minh họa

Ngoài ra, UAV Cardinal cũng có thể tham gia vào các hoạt động giảm nhẹ thiên tai và cứu hộ; chụp không ảnh để đánh giá những thay đổi về môi trường; giám sát các khu vực rừng núi; quản lý nông nghiệp và nguồn nước. Nó có thể thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm nhờ hệ thống cảm biến hồng ngoại.

Thiết kế còn lại là UAV Albatross, có thể được sử dụng để thực hiện các phi vụ trinh sát dài hơn, cả ngày lẫn đêm. UAV có thể bay liên tục trong hơn 10 giờ đồng hồ và có tầm hoạt động 150km, tính từ hệ thống điều khiển. UAV này có trọng lượng 317 kg, sải cánh 8m và hiện đang được lục quân của hòn đảo này sử dụng.

Trung Quốc xác nhận thử nghiệm vũ khí siêu thanh WU14

Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây đã tuyên bố: "Việc tiến hành thử nghiệm công trình khoa học - nghiên cứu trên lãnh thổ Trung Quốc như kế hoạch thử nghiệm tên lửa vừa rồi là hoạt động thông thường. Những cuộc thử nghiệm này không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào và không hướng tới bất kỳ chủ thể nào".

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất: Trung Quốc xác nhận thử nghiệm vũ khí siêu thanh WU14

Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh WU14. Ảnh minh họa

Trước đó, một quan chức quốc phòng Mỹ nhận định tên lửa mới này nằm trong chương trình hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, hướng đến mục đích vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Như vậy, đây là lần thứ 3 trong năm nay xuất hiện thông tin về vụ Trung Quốc thử tên lửa siêu thanh, lần đầu tiên hồi tháng 1 và lần tiếp theo là vào tháng 8.

Trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu tên lửa siêu thanh từ nhiều năm trước đây. Nhưng mãi đến gần đây, khi nền kinh tế hiện nay đã đủ sức chi trả khoản chi phí thử nghiệm lớn, nước này mới tiến hành những vụ phóng thử tên lửa siêu thanh WU14.

Nước trên Trái Đất có thể không bắt nguồn từ sao chổi

Kết quả phân tích hóa học mẫu nước trên sao chổi Comet 67P/Churyumov-Gerasimenko cho thấy nó có lượng Deuteri cao hơn gấp ba lần so với hydro trong phân tử nước trên Trái Đất. Deuteri còn gọi là hydro nặng, một đồng vị bền của hydro. Trong 10.000 phân tử nước trên Trái Đất thì có ba phân tử chứa đồng vị hydro nặng.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất:  Nước trên Trái Đất có thể không bắt nguồn từ sao chổi

Hình ảnh được Philae chụp lại trên bề mặt sao chổi hôm 13/11. Ảnh AFP

Theo Reuters, phát hiện này loại trừ khả năng cho rằng nước trên Trái Đất có nguồn gốc từ sao chổi, và mở ra hướng nghiên cứu mới tập trung vào tiểu hành tinh. "Các tiểu hành tinh có thể từng có lượng nước nhiều hơn so với hiện nay. Chúng đã tồn tại ở khu vực gần với Mặt Trời trong 4,6 tỷ năm", chuyên gia Kathrin Altwegg của Đại học Bern, Thụy Sĩ, nói.

Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hôm 12/11, sau hành trình kéo dài 10 năm. Theo dữ liệu ban đầu, robot Philae phát hiện dấu vết của phân tử hữu cơ chứa nguyên tử carbon, vốn là nhân tố cơ bản của sự sống trên Trái Đất.

Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko được phát hiện năm 1969. Nó có đường kính 4 km và nằm cách Trái Đất khoảng 500 triệu km.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang