Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 06/12

author 06:29 06/12/2014

(VietQ.vn) - Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đề cập tới nhiều sự kiện đáng chú ý như Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về đo lường, kiểm tra tiến độ dự án tại Bình Dương và phát hiện thiên thạch mang dấu hiệu sự sống ngoài Trái Đất.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay đáng chú ý ở trong nước:

Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về đo lường đối với phương tiện đo lường nhóm 2 và an toàn bức xạ đối với thiết bị X-quang y tế năm 2014

Bộ KH&CN vừa tổ chức Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và an toàn bức xạ đối với thiết bị X-quang y tế năm 2014. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, đại diện lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ KH&CN cùng các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công an, Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN và Thanh tra KH&CN của các tỉnh/thành phố.

Hình ảnh tại Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về đo lường với phương tiện nhóm 2 và an toàn bức xạ đối với thiết bị X-quang y tế

Hình ảnh tại Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về đo lường với phương tiện nhóm 2 và an toàn bức xạ đối với thiết bị X-quang y tế. Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định: cuộc thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm và tăng cường kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN. Bộ KH&CN đánh giá cao sự phối hợp nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công, nâng cao hiệu lực quản lý của ngành; sự tham gia và ủng hộ của các cơ quan truyền thông. Sắp tới, với vai trò là đầu mối, Thanh tra Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ lựa chọn các nội dung thanh tra phù hợp, hỗ trợ các địa phương trong giám sát, triển khai thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trong các lĩnh vực nhằm tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của Bộ KH&CN.

Tại Hội nghị, 9 Sở KH&CN địa phương có nhiều đóng góp trong cuộc thanh tra chuyên đề năm 2014 đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN tặng Bằng khen.

Bình Dương: kiểm tra tiến độ thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”

Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với phòng kinh tế thị xã Tân Uyên và UBND xã Thạnh Hội tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” do ông Nguyễn Quốc Long làm chủ nhiệm.

Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá dự án tại xã Thanh Hội, huyện Tân Uyên

Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá dự án tại xã Thanh Hội, huyện Tân Uyên. Ảnh minh họa

Sau khi nghe chủ nhiệm dự án đại diện cho cơ quan chủ trì báo cáo kết quả thực hiện dự án và tiến hành kiểm tra tại các hộ dân tham gia. Đoàn kiểm tra tiến độ dự án cũng đã đến tham quan một số mô hình xuống giống của các hộ nông dân tham gia dự án trong việc sản xuất rau tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên.

Trong thời gian tới, chủ nhiệm đề tài và đơn vị chủ trì, đơn vị chuyển giao sẽ tiếp thục thực hiện các công việc còn lại của dự án để tổ chức nghiệm thu dự án theo đúng tiến độ quy định.

Đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược

Tại Hội thảo khoa học công nghệ đồng hành cùng với sự phát triển của ngành dược, tổ chức sáng 5/12 tại Hà Nội, Giáo sư Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y - Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” đã khẳng định đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược mang lại hiệu quả kinh tế lớn, mỗi đề tài nghiên cứu đều đưa ra một sản phẩm tại Việt Nam nên giá thành giảm rất nhiều so với giá thành nhập ngoại.

Dây chuyền sản xuất vắcxin tại Nhà máy sản xuất vắcxin Polyvac

Dây chuyền sản xuất vắcxin tại Nhà máy sản xuất vắcxin Polyvac. Ảnh minh họa

Giáo sư cho biết, trong bốn năm qua, Chương trình KC.10/11-15 đang theo dõi thực hiện 69 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong đó có 16 đề tài tiềm năng, 10 dự án và 40 đề tài thuộc lĩnh vực y dược. Tất cả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ này đều xuất phát từ những yêu cầu thực tế của ngành, tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ y dược trên thế giới, nghiên cứu triển khai ứng dụng, cải tiến và hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường khẳng định, trong những năm qua đã có 20 nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước thuộc chương trình triển khai tập trung nghiên cứu tạo ra các dạng bào chế đặc thù như thuốc tiêm đông khô, thuốc giải phóng hoạt chất chậm, thuốc tiêm paclitaxel, vắcxin Rota sống và các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cập nhật và chọn lọc kết quả nghiên cứu ở nước ngoài và triển khai áp dụng đã tiết kiệm về kinh phí và thời gian. Đây là hướng đi đúng cần phát huy trong thời gian tới.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay trên thế giới

Stephen Hawking: "Trí tuệ nhận tạo có thể đe dọa nhân loại"

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, vị giáo sư của Đại học Cambridge (Anh) - Stephen Hawking nhận định, "sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể báo hiệu cái kết của nhân loại". Theo ông Hawking, con người bị quá trình tiến hóa sinh học chậm chạp giới hạn, do đó không thể cạnh tranh và sánh kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Với đặc điểm này, chính trí tuệ nhân tạo mà loài người tạo ra có thể thay thế con người.

Stephen Hawking là nhà toán học và vật lý nổi tiếng thế giới với các công trình nghiên cứu về hố đen vũ trụ

Stephen Hawking là nhà toán học và vật lý nổi tiếng thế giới với các công trình nghiên cứu về hố đen vũ trụ. Ảnh minh họa

Theo Live Science, một số chuyên gia trên thế giới cũng nhận định về các mối lo ngại tương tự. Nhà phát minh Ray Kurzweil - Giám đốc kỹ thuật của tập đoàn Google, từng đề cập đến thời điểm máy móc thông minh vượt xa trí tuệ của con người và cho rằng, nó sẽ xuất hiện vào khoảng đầu năm 2045.

Tỷ phú người Mỹ Elon Musk gọi trí tuệ nhân tạo là "mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của chúng ta". Giám đốc điều hành của tập đoàn Space X cho rằng, con người cần "cẩn thận" với trí tuệ nhân tạo, đồng thời kêu gọi hoạt động giám sát trên phạm vi quốc gia và quốc tế đối với lĩnh vực này.

Thiên thạch mang dấu hiệu sự sống ngoài Trái đất

Một mảnh thiên thạch từ sao Hỏa chứa dấu hiệu của nước và thành phần hợp chất hữu cơ, có thể là bằng chứng cho thấy sự sống ngoài Trái đất tồn tại cách đây 700.000 năm.

Một mảnh vỡ của thiên thạch Tissint

Một mảnh vỡ của thiên thạch Tissint. Ảnh: EPFL

Thiên thạch Tissint lao xuống sa mạc Guelmim-Es Semara của Maroc ngày 18.7.2011. Theo ước tính của các nhà khoa học, một hành tinh nhỏ đánh bật mảnh thiên thạch này khỏi bề mặt sao Hỏa khoảng 700.000 năm trước.

Khối thiên thạch màu xám và nặng 8 kg gây ngạc nhiên cho giới khoa học khi họ nhận thấy nó chứa dấu vết của nước và thành phần trong hợp chất carbon hữu cơ. Giới chuyên gia khi đó cho rằng, chất hữu cơ có thể xuất hiện sau khi "vị khách không gian" rơi xuống khu vực Bắc Phi.

Tuy nhiên, theo Sputnik News, nghiên cứu gần đây chứng minh rằng, chúng có nguồn gốc từ bên ngoài Trái Đất và có thể là bằng chứng về sự sống ngoài địa cầu từ cách đây 700.000 năm. Qua kiểm tra, nhóm chuyên gia xác định chất hữu cơ có 4 đặc điểm khác thường cho thấy chúng hình thành trong điều kiện tự nhiên bên ngoài Trái đất. Chúng đồng thời chứa nhiều deuterium (đồng vị bền của hydro), vốn được tìm thấy trong đất ở sao Hỏa.

Phan Huyền (tổng hợp)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang