Giới chức Mỹ tranh cãi gay gắt vì tình hình Biển Đông

author 20:13 08/01/2016

(VietQ.vn) - Đảng Cộng hòa Mỹ đang gây sức ép để buộc Washington phải duy trì một lực lượng Hải quân đủ mạnh trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Dân Trí, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan nhấn mạnh căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua cho thấy Mỹ cần phải duy trì một lực lượng Hải quân đủ mạnh để hoạt động trong vùng biển này nhằm ngăn chặn những căng thẳng trên.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng Washington cần can thiệp sâu hơn vào tình hình Biển Đông hiện nay

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng Washington cần can thiệp sâu hơn vào tình hình Biển Đông hiện nay

Nghị sỹ Paul Ryan, thành viên của đảng Cộng hoà, cho rằng: "Tình hình Biển Đông thời gian cho thấy chúng ta cần một lực lượng Hải quân mạnh mẽ. Chúng ta không nên lựa chọn phương án giảm số tàu tuần tra ở vùng biển này xuống mức như trước Thế chiến I. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần một lực lượng mạnh với các hạm đội tàu hiện đại, cũng như một chính sách ngoại giao thực sự, điều mà Mỹ chưa có được vào lúc này".

Trong khi đó, ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà Marco Rubio cũng đã nêu quan điểm về tình hình Biển Đông hiện nay. Theo ông Rubio, nếu trúng cử Tổng thống Mỹ, ông sẽ điều động tàu chiến Mỹ hoạt động ở các khu vực tại Biển Đông nhằm thách thức những đòi hỏi về chủ quyền và các quy định nhằm vào tự do hàng hải và hàng không của Trung Quốc.

"Chúng ta cần phải tiếp thêm sức mạnh cho liên minh quân sự ở Thái Bình Dương và điều này chỉ bắt đầu khi Mỹ đầu tư các nguồn lực cần thiết nhằm xây dựng lại một lực lượng Hải quân hùng mạnh", Thượng nghị sỹ Rubio trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox Business Network.

Khi được hỏi về khả năng Mỹ có can thiệp quân sự để ngăn chặn máy bay Trung Quốc hoạt động tại các khu vực ở Biển Đông trong trường hợp trúng cử hay không, Thượng nghị sỹ Rubio khẳng định Mỹ sẽ có các hành động để thách thức những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc. "Chúng ta cần phải bác bỏ mọi đòi hỏi về chủ quyền của họ tại Biển Đông và tiếp tục cho máy bay và tàu chiến hoạt động tại vùng biển đó", ông Rubio khẳng định.

Tuyên bố của ông Paul Ryan được đưa ra sau khi tàu khu trục USS Lassen chấm dứt 10 năm tuần tra Biển Đông

Tuyên bố của ông Paul Ryan được đưa ra sau khi tàu khu trục USS Lassen chấm dứt 10 năm tuần tra Biển Đông

Thời gian qua, các nghị sỹ của đảng Cộng hoà đã có những phát biểu chỉ trích hoạt động của Hải quân Mỹ tại Biển Đông nhằm "ghi điểm" trong lúc hai đảng ở Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Trên thực tế, tới nay Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm không ủng hộ bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nhấn mạnh tới việc cần phải duy trì tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Anna Richey-Allen cho biết: "Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông ngưng các hoạt động cải tạo đất, cũng như phát triển các cơ sở quân sự và quân sự hoá những tiền tiêu, thay vào đó chúng ta cần phải tập trung thảo luận để đạt thoả thuận về cách ứng xử chấp nhận được tại vùng biển này".

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, ngày 6/01 vừa qua, tàu khu trục Mỹ USS Lassen (DDG-82) đã rời quân cảng Yokosuka (Nhật Bản) để thực hiện chuyến tuần tra cuối cùng trên Thái Bình Dương và về thẳng Florida, Mỹ, chấm dứt 10 năm cùng Hạm đội 7 tuần tra vùng Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.

Thay thế nhiệm vụ của tàu Lassen ở châu Á là tàu khu trục USS Barry vừa nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mới nhất và có thể phóng tất cả loại tên lửa qua hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS) mới nhất.

Thuỷ thủ tàu USS Lassen tập luyện vào đêm 28/9/2015 trên Biển Đông

Thuỷ thủ tàu USS Lassen tập luyện vào đêm 28/9/2015 trên Biển Đông

“Hoạt động của tàu Lassen tại Hạm đội 7 rất đáng ngưỡng mộ, khả năng hỗ trợ của tàu đã nâng cao quan hệ của chúng ta với các đồng minh chủ chốt và là một phần của sự bảo đảm an ninh hàng hải của Hải quân Mỹ ở vùng biển Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương”, chỉ huy biên đội tàu khu trục số 15, ông Christopher J. Sweeney nói với báo Stars & Stripes ngày 6/1.

Tàu khu trục USS Lassen đóng năm 1998, bàn giao cho Hải quân Mỹ năm 2001 và đến tháng 8/2005 tàu được điều sang hạm đội 7, đóng ở căn cứ Yokosuka đến nay. Trong 10 năm qua, tàu Lassen thường tuần tra vùng biển Tây Thái Bình Dương, từ biển Nhật Bản đến Biển Đông.

Ngày 27/10/2015, tàu USS Lassen đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo phi pháp. Hành động này được Hải quân Mỹ nói là thực thi quyền tự do lưu thông hàng hải, tuy nhiên Mỹ cũng tuyên bố tàu Lassen đi qua “vô hại” khi tắt hết radar, không cho trực thăng cất cánh. Chuyến tuần tra này tàu Lassen còn đi qua 4 bãi đá khác ở Biển Đông.

Tuyết Trinh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang