Trung Quốc ép Nhật Bản không đưa tình hình Biển Đông tới G7

author 16:17 20/03/2016

(VietQ.vn) - Nguồn tin ngoại giao tiết lộ Trung Quốc đã gây sức ép, yêu cầu Nhật Bản không nhắc tới tình hình Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Tuổi Trẻ, hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 20/3 dẫn nguồn tin ngoại giao tiết lộ Bắc Kinh đã gây sức ép, yêu cầu Tokyo không nhắc tới Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới. Nguồn tin tiết lộ “yêu cầu” này được trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu đưa ra trong cuộc họp với thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Nhật Bản - ông Shinsuke Sugiyama tại Tokyo hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu được cho là ‘nhắc khéo’ Nhật Bản không đưa tình hình Biển Đông tới G7

Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu được cho là ‘nhắc khéo’ Nhật Bản không đưa tình hình Biển Đông tới G7. Ảnh Kyodo News

Theo đó, ông Khổng đã tỏ ra bất mãn với những chỉ trích của Nhật Bản liên quan các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông này mỉa mai rằng Tokyo dù không liên quan đến tình hình Biển Đông nhưng đang hành động như một bên có tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời tỏ ra hoài nghi liệu Nhật Bản có thật sự muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc hay không.

Ông Khổng Huyễn Hựu thậm chí cảnh báo rằng cách mà Nhật Bản tiếp cận vấn đề Biển Đông tại Hội nghị G7 sắp tới sẽ là phép thử cho quan hệ song phương và khẳng định Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ chuyện này. Nói một cách khác, theo ông Khổng, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản có được cải thiện hay không và bao nhiêu là tùy thuộc vào cách Nhật Bản đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự.

Đáp lại, thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản khẳng định Tokyo không chấp nhận bất cứ hành động nào làm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Ông Sugiyama cũng nhấn mạnh cần phải thiết lập các quy tắc trên biển vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Trước đó hồi thứ Hai vừa rồi, tình hình Biển Đông cũng đã được nhắc đến trong cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Vương Nghị. Theo hãng tin Kyodo, Bắc Kinh vẫn giữ luận điệu quen thuộc khi yêu cầu Tokyo cần có những nỗ lực hơn nữa để cải thiện quan hệ hai nước.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, ngày 17/3, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, cho biết một số tàu của Trung Quốc đang hoạt động quanh bãi cạn Scarborough nước này chiếm của Philippines năm 2012. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở bãi Scarborough giống như đã làm với bảy bãi đá và rạn san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bãi cạn Scarborough, một trong những thực thể ở Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 2012

Bãi cạn Scarborough, một trong những thực thể ở Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 2012. Ảnh CSIS

Trao đổi với Zing News về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Viện Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, cho biết việc bồi lấp bãi cạn Scarborough nằm trong sự tính toán từ lâu của Trung Quốc. Chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines hay các thực thể trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam giúp Trung Quốc xây dựng tam giác chiến lược để kiểm soát khu vực.

Chiến lược này sẽ tạo ra cho Trung Quốc tế chân vạc trên Biển Đông. Chính vì thế, giới chuyên gia Mỹ và Nhật Bản cảnh báo không sớm thì muộn, Trung Quốc cũng sẽ cải tạo Scarborough.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết định tiến hành việc cải tạo Scarborough vào thời gian này, lý do có thể là việc Tòa Trọng tài chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, trong đó có việc chiếm đóng bãi cạn này. Nhiều khả năng, phán quyết của tòa sẽ gây bất lợi cho phía Trung Quốc nên họ phải tạo ra một “sự đã rồi” nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Nếu Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa thành công Scarborough, thế chân vạc của Bắc Kinh sẽ được hình thành. Kết hợp với các căn cứ quân sự phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ kiểm soát hoàn toàn tuyến hàng hải trên Biển Đông cũng như không phận phía trên tuyến hàng hải huyết mạch này.

“Trung Quốc cải tạo Scarborough chắc chắn nằm trong sự tính toán của Philippines, Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, các biện pháp đáp trả có thể dẫn tới các động thái quân sự, làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Chúng tôi vẫn đang theo dõi các diễn biến tiếp theo trên thực địa để có thể đưa ra những dự đoán chính xác nhất”, Tiến sĩ Trần Việt Thái khẳng định.

Từ tình hình Biển Đông mới nhất, Tiến sĩ Trần Việt Thái cho rằng ‘Trung Quốc muốn tạo thế chân vạc để kiểm soát Biển Đông’

Từ tình hình Biển Đông mới nhất, Tiến sĩ Trần Việt Thái cho rằng ‘Trung Quốc muốn tạo thế chân vạc để kiểm soát Biển Đông’. Ảnh Zing News

Cũng theo ông Thái, Mỹ và Trung Quốc khó có khả năng đụng độ trên Biển Đông. Tuy nhiên, hai bên sẽ tiếp tục gia tăng mức độ của các hành động mà họ đang thực hiện. Mỹ sẽ không ngồi yên nhìn Trung Quốc liên tục bồi lấp, lấn chiếm Biển Đông trong khi Bắc Kinh không có ý định dừng lại. Tình trạng này có thể làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc và ảnh hưởng tới khu vực.

Trên thực tế, việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo trên Biển Đông là hành động cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể trở thành ngòi nổ cho cuộc chạy đua trong khu vực nhằm ngăn chặn các động thái của Bắc Kinh. Chúng sẽ gây bất lợi cho việc duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Những việc làm của Trung Quốc là cực kỳ đáng lên án, đi ngược lại với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như cam kết của lãnh đạo Trung Quốc. "Chúng ta cần công khai thông tin về việc làm của Bắc Kinh cũng như đưa các vấn đề này ra những hội nghị quốc tế nhằm xử lý vấn đề thông qua các kênh ngoại giao", tiến sĩ Trần Việt Thái kêu gọi.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang